01/10/2022 - 09:41

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng 

MINH HUYỀN

MINH HUYỀN

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm xuyên suốt để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Vì thế, bước sang quý cuối năm, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Thường trực Thành ủy, UBND TP Cần Thơ kiểm tra tiến độ các gói thầu của Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Ảnh: ANH KHOA

Kết quả tích cực

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) được Quốc hội quyết nghị và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022 trên 542.105 tỉ đồng. Tính đến ngày 23-9, tổng số vốn NSNN đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trên 508.362 tỉ đồng, đạt 93,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Ước từ đầu năm đến ngày 30-9, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN hơn 253.148 tỉ đồng, đạt 46,7% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%). Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 gần 34.600 tỉ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 9 tháng năm 2021. Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 48,6% kế hoạch; vốn nước ngoài đạt 19,03% kế hoạch.

Có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%). Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư. Ðó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán. Minh chứng rõ ràng là kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực khi đạt tỷ lệ 46,7%.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 cao hơn khoảng 80.000 tỉ đồng so với năm 2021 (chưa tính số vốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 khoảng 38.000 tỉ đồng từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Bên cạnh đó, năm 2022 có đặc thù là năm thứ hai của kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch (do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7-2021), triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, tiến độ giải ngân đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công có chiều hướng khả quan là tiền đề để các cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh giải ngân số vốn còn lại trong những tháng cuối năm 2022.

Dồn sức cho cuối năm

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Vì thế, các bộ, ngành địa phương căn cứ tình hình thực tế để có những giải pháp phù hợp để thúc giải ngân vốn đầu tư công, dồn sức cho các công trình dự án trọng điểm. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, khó khăn lớn nhất hiện nay của thành phố là cần tiến hành điều chỉnh thủ tục đầu tư của các dự án sử dụng vốn ODA. Thành phố đã có 2 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng Bộ Tài chính để xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ODA năm 2022 là 1.450 tỉ đồng và xem xét giảm vốn ghi thu, ghi chi 800 tỉ đồng. Tập trung tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thủ tục đầu tư, điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án có khối lượng, giải ngân tốt, khởi công thêm các công trình dự án trong danh mục đầu tư công. Ðặc biệt, để phấn đấu đạt tỷ lệ 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố tập trung nguồn vốn cho 4 dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn hơn 4.000 tỉ đồng. Với việc thực hiện mời thầu, xét thầu và sớm có kết quả trong tháng 10, dự kiến khởi công đầu tháng 11, bố trí vốn thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ứng vốn cho các nhà thầu giải phóng mặt bằng để kịp thời giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu sẽ giúp thành phố đạt các chỉ tiêu đề ra về giải ngân vốn đầu tư công trong quý cuối năm 2022.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phương pháp làm việc khoa học nhất, quyết tâm, nỗ lực cao nhất có thể, các bộ, ban, ngành, địa phương cần tập trung cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm. Chỉ còn quý cuối năm, thời gian không chờ đợi ai nên phải quyết liệt hành động tích cực, hiệu quả; quán triệt tinh thần tất cả vì quốc gia, dân tộc, tất cả vì nhân dân, làm ngày làm đêm, đã cố gắng nay cố gắng thêm nữa. Các tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục làm việc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiểm tra, giám sát, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, giải quyết các vướng mắc. Cần tập trung giải quyết các nhóm khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, công tác triển khai thực hiện, nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch đầu tư công năm 2022. Phải nắm sát tình hình, thấu hiểu, chia sẻ, chung sức đồng lòng thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Các địa phương, đơn vị chưa làm tốt cần cố gắng hơn nữa, kiểm điểm, đánh giá nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Phải xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ ngành, địa phương và đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững
của đất nước.

Chia sẻ bài viết