25/07/2020 - 07:08

Thư viện hội nhập thời 4.0 

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin là chìa khóa để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thời gian qua, Thư viện TP Cần Thơ (TVTPCT) đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực để theo kịp xu thế 4.0. Nhờ đó, TVTPCT luôn có các chỉ số về hiệu quả hoạt động đứng tốp đầu cả nước.

Xe thư viện lưu động đa phương tiện là bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ thông tin của TVTPCT.

Để thực hiện việc tin học hóa hoạt động chuyên môn và phục vụ bạn đọc, TVTPCT được trang bị thiết bị công nghệ thông tin khá toàn diện. Hiện thư viện có 2 máy server; 60 máy tính có kết nối mạng nội bộ (LAN), phần lớn dành cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, còn lại bố trí cho phòng đọc điện tử và hệ thống tra cứu tài liệu. TVTPCT còn trang bị đường truyền internet tốc độ cao, phủ sóng wifi miễn phí toàn khuôn viên phục vụ bạn đọc. Từ năm 2010 đến nay, TVTPCT sử dụng phần mềm MyLib for Windows và Cổng thông tin điện tử quản lý toàn bộ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của hệ thống thư viện công cộng TP Cần Thơ: quản lý tài liệu (bổ sung, biên mục, lưu trữ tài liệu số hóa, tổ chức tra cứu tài liệu giấy, truy cập tài liệu số hóa), quản lý bạn đọc và quản lý lưu thông tài liệu (hỗ trợ mượn, trả, gia hạn tài liệu tại chỗ hoặc trực tuyến).

Nhờ thường xuyên nâng cấp, cập nhật mà Cổng thông tin điện tử TVTPCT tại địa chỉ cantholib.org.vn phát huy hiệu quả tốt. Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc TVTPCT, cho biết: Minh chứng rõ nhất là từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, lượng độc giả truy cập trang web của thư viện để tìm tài liệu và đọc sách điện tử rất đông. Số lượng người truy cập lên đến 6.000-7.000 lượt/ngày, tăng gấp 7-8 lần so với thời điểm trước. Nguyễn Thanh Tuấn, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: "Trang web của thư viện cho phép tra cứu tài liệu nhanh chóng, lại đọc được trích yếu sách nên dễ lựa chọn. Đặc biệt là khi em về quê hay có việc chưa kịp trả sách thì cũng có thể gia hạn trực tuyến ngay trên điện thoại, rất thuận tiện". Ngoài ra, TVTPCT còn năng động tạo lập kênh YouTube, Facebook, Zalo để tăng cường giới thiệu các hoạt động, quảng bá thông tin, tài liệu của thư viện đến bạn đọc.

Quy định về xuất bản sách điện tử
Theo TVTPCT, hiện chưa có nguồn sách điện tử chính thức và đủ đa dạng, cũng chưa có hướng dẫn bổ sung tài liệu điện tử để các thư viện xây dựng kho sách điện tử tiến tới hình thành thư viện điện tử trong tương lai. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định rõ ràng, chặt chẽ về việc số hóa và phục vụ tài liệu số cho bạn đọc trong các thư viện, để không xảy ra những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cần thiết có quy định về xuất bản sách điện tử.

Một dấu ấn khác của TVTPCT trong ứng dụng công nghệ thông tin là số hóa vốn tài liệu. Dù cơ sở vật chất còn thiếu nhưng đội ngũ cán bộ, viên chức thư viện đã nỗ lực chuyển đổi các tài liệu sách, báo, tạp chí… thành tài liệu số để đảm bảo lưu trữ và phục vụ bạn đọc. Các sách, tài liệu được cán bộ thư viện lựa chọn số hóa theo tiêu chí: tổng hợp, nghiên cứu, dự đoán… và được tổ chức lại thành bộ sưu tập lĩnh vực có giá trị.

Từ năm 2017, TVTPCT triển khai dịch vụ đọc và mượn sách điện tử (e-book) thông qua mua tài khoản truy cập CSDL e-book của NXB Trẻ với số lượng khoảng 6.600 nhan đề. Bạn đọc có thẻ thư viện đều sử dụng mã số thẻ làm mã truy cập mượn e-book đồng thời với việc sử dụng sách in giấy truyền thống tại thư viện. TVTPCT triển khai cấp miễn phí tài khoản mượn e-book cho cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân, đến nay đã cấp tổng cộng trên 11.000 tài khoản.

Năm 2018, TVTPCT đã đưa mã QR vào các sản phẩm Thông tin thư mục bài báo - tạp chí để định vị bài viết toàn văn đã được thư viện số hóa. Bạn đọc có thể dùng các thiết bị di động chụp mã QR để đọc toàn văn bài viết này. Các tập thông tin thư mục được phát hành định kỳ 2 tháng/số. Sáng kiến này đã được anh Lữ Công Lập, cán bộ TVTPCT, mang đến Hội thi Cán bộ thư viện giỏi toàn quốc 2018 và đoạt giải chuyên đề "Viết giải pháp sáng kiến, kinh nghiệm thiết thực, hiệu quả". Theo anh Lữ Công Lập, thế mạnh của việc số hóa và quét mã QR là phục vụ đồng thời nhiều lượt bạn đọc, từ khắp nơi trên thế giới và bạn đọc có thể lưu bài viết trên điện thoại di động.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây với Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo TVTPCT cũng nhận định: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống TVTPCT chủ yếu triển khai ở Thư viện thành phố, chưa sâu rộng đến thư viện quận, huyện. Đặc biệt, TVTPCT đang gặp khó trong ứng dụng công nghệ thông tin do trang thiết bị được đầu tư nhỏ lẻ, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Cần nhất hiện nay là TVTPCT đang thiếu 1 máy chủ để hoạt động. Ngoài ra, tốc độ phát triển nguồn tài liệu số hóa còn chậm, chiếm tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ nguồn lực thông tin của thư viện (khoảng 6,8%), mà nguyên nhân chủ yếu là thiết bị số hóa (máy scan) hiện rất lạc hậu.

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, công tác thư viện cơ sở hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời đại công nghệ số. Vì vậy, việc cập nhật công nghệ 4.0 trong công tác thư viện là hướng mở ra cho hoạt động thư viện công cộng trong tương lai và TVTPCT là điển hình sinh động.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết