Thủ tướng Mario Monti ngày 4-12 cho biết chính phủ của ông vừa thông qua gói giải pháp khắc khổ cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trị giá 30 tỉ euro nhằm vực dậy nền kinh tế Ý, đồng thời cứu đồng tiền chung châu Âu khỏi nguy cơ bị xóa sổ.
Các biện pháp mà Thủ tướng Monti đưa ra bao gồm cắt giảm chi tiêu của chính phủ, chống nạn trốn thuế và khôi phục tăng trưởng kinh tế để có thể thực hiện mục tiêu loại bỏ thâm hụt ngân sách vào năm 2013. Chính sách mới được công bố như một sắc lệnh khẩn cấp, nghĩa là sẽ có hiệu lực trước khi được quốc hội thông qua. Các giải pháp mới, đưa ra trước thềm cuộc họp thượng đỉnh quan trọng của các nhà lãnh đạo châu Âu vào cuối tuần này, được kỳ vọng sẽ giảm áp lực thị trường cho Ý, nước đang gánh mức chi phí vay mượn tăng đột biến trong mấy tuần gần đây và có nguy cơ vỡ nợ nếu không thể duy trì khả năng chi trả đối với khoản nợ lên tới 1.900 tỉ euro, tương đương 120% GDP. Không như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland những nước tiếp nhận các gói giải cứu sau khi chi phí vay mượn của họ tăng vọt, nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng euro (Eurozone) bị cho là quá lớn để “giải cứu”. Việc Ý vỡ nợ sẽ là thảm kịch đối với Eurozone và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế toàn cầu.
“Nếu muốn, bạn có thể gọi nó là biện pháp “cứu nguy nước Ý”. Tôi muốn gửi đến bạn một thông điệp về nỗi lo nghiêm trọng nhưng cũng là niềm hy vọng lớn”- ông Monti phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên họp nội các hôm Chủ nhật, chưa đầy 3 tuần kể từ khi nhậm chức. Về việc cắt giảm chi tiêu trong chính phủ, Thủ tướng Monti nói ông sẽ tiên phong cắt lương thủ tướng và bộ trưởng tài chính - động thái mà ông gọi là quyết định cá nhân, không phải là hình mẫu để các bộ trưởng khác làm theo. Chính sách mới cũng bao gồm cắt giảm chi tiêu đối với các chính quyền khu vực, điều có thể làm thay đổi đáng kể đời sống chính trị Ý bằng việc siết chặt kiểu chi xài ngân sách vô độ. Ông Monti, một chuyên gia kinh tế và từng là cao ủy phụ trách thị trường và cạnh tranh của EU, cũng thuyết phục dân Ý hiểu rằng đất nước thực sự đang lâm nguy, chứ không như cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, người luôn nói với dân chúng rằng kinh tế nước nhà vẫn ổn, dù tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ngày càng tăng cao, kinh tế trì trệ và chi phí sinh hoạt thì bỏ xa đồng lương. Các đề xuất của Thủ tướng Monti còn bao gồm khôi phục thuế bất động sản mà ông Berlusconi từng bãi bỏ năm 2008 để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử trước đó, cấm giao dịch tiền mặt trên 1.000 euro (thay cho mức 2.500 euro hiện tại) nhằm siết chặt nạn trốn thuế, tăng thuế giá trị gia tăng thêm 2%, lên mức 23% bắt đầu từ tháng 9- 2012, và giảm thuế cho các công ty thuê lao động mới hoặc mở rộng kinh doanh. Ngoài ra, từ năm tới, tuổi nghỉ hưu 60 đối với nữ và 65 đối với nam hiện nay lần lượt nâng lên 62 và 66 tuổi, đồng thời chính phủ khuyến khích họ làm việc đến năm 70 tuổi.
THANH TRÚC
(Theo New York Times, AP)