 |
Ông Prodi đang nghĩ về một tương lai chính trị mới? Ảnh: AFP |
Thủ tướng Italia Romano Prodi ngày 24-1 đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Giorgio Napolitano ngay sau khi không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện. Tuy nhiên, theo các hãng tin lớn trên thế giới như AFP, AP... đằng sau quyết định này có thể là một toan tính khác của liên minh trung tả cầm quyền.
Tổng thống Napolitano đang tham vấn các đảng phái chính trị để đưa ra quyết định bầu cử trước thời hạn hoặc thành lập một chính phủ lâm thời nhằm tiến hành cải cách hệ thống bầu cử ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn mà chính phủ cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi thông qua năm 2006. Nhưng dù giải pháp nào được thực hiện, ông Prodi tuyên bố sẽ không tiếp tục theo đuổi chiếc ghế thủ tướng. Sự ra đi lần này của Thủ tướng Prodi không phải vì chính phủ 20 tháng tuổi của ông thiếu năng lực lãnh đạo, mà do không nhận được sự ủng hộ của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo có 3 ghế trong Thượng viện. Năm 1998, ông Prodi cũng từng kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng chỉ sau 2 năm vì những bất đồng trong nội bộ liên minh cầm quyền.
Có thể nói việc chính phủ của ông Prodi giải tán sớm chẳng phải là điều quá bất ngờ ở một đất nước mà việc thay đổi chính phủ xảy ra xoành xoạch như Italia. Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Italia trải qua 61 chính phủ, tính ra “tuổi thọ” mỗi đời chính phủ tại đất nước hình chiếc ủng trung bình chỉ có hơn một năm!
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc từ chức của ông Prodi có thể là tính toán chiến lược của liên minh trung tả cầm quyền. Báo chí Italia cho biết ông Prodi đang được các đảng cánh tả lẫn hữu đề cử làm ứng viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi, bắt đầu từ năm 2009. Đây là vị trí mà ông Prodi từng rất thành công trong giai đoạn 1999-2004. Với cương vị Chủ tịch EC thời kỳ này, ông được xem là cha đẻ của đồng euro. Để trở thành người đứng đầu EC lần nữa, ông Prodi phải kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng Italia trước thời hạn và đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất. Theo nhật báo “La Repubblica” của Italia, chiến dịch vận động tranh cử ghế Chủ tịch EC sắp tới sẽ rất quyết liệt bởi khả năng có sự tham gia của nhiều ứng viên “nặng ký” như Thủ tướng Luxembourg Jean Claude Juncker, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
Trong khi đó, lãnh đạo phe trung tả ở Italia hiện nay không phải là ông Prodi mà là thị trưởng Roma, ông Walter Veltroni. Chính trị gia 52 tuổi này giành thắng lợi vang dội trước Thủ tướng Prodi trong đại hội đầu tiên của khối trung tả mới mang tên Đảng Dân chủ Italia hồi tháng 10-2007. Ông Veltroni được phe trung tả kỳ vọng sẽ thay thế Thủ tướng Prodi bằng việc đánh bại cựu Thủ tướng Berlusconi, người đang khăng khăng đòi bầu cử sớm với tham vọng trở lại nắm quyền sau gần hai năm làm thủ lĩnh phe đối lập.
PHÚC NGUYÊN
(Theo AFP, Guardian, WSJ, AP, TTXVN)