10/04/2012 - 21:55

Thủ tướng Anh công du châu Á

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (phải) đón tiếp người đồng nhiệm Anh David Cameron đến thăm Tokyo ngày 10-4. Ảnh: Reuters 

Ngày 10-4, Thủ tướng Anh David Cameron (ảnh) đã khởi hành đến Nhật Bản, mở đầu chuyến công du châu Á, bao gồm các nước ở Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Tháp tùng ông có lãnh đạo của 4 trường đại học và 33 doanh nghiệp trong nước.

Tòa nhà số 10 Phố Downing (Phủ Thủ tướng Anh) cho biết địa điểm đầu tiên Thủ tướng Cameron ghé thăm tại Nhật Bản sẽ là trụ sở của tập đoàn Nissan ở tỉnh Yokohama, nơi hãng chế tạo ôtô hàng đầu xứ phù tang sẽ thông báo kế hoạch đầu tư trị giá 127 triệu bảng Anh vào nhà máy của họ ở Sunderland, dự kiến tạo thêm 225 việc làm tại Anh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của Thủ tướng Cameron với người đồng cấp Nhật Bản Yoshihiko Noda được cho sẽ tập trung vào các thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và vai trò của Anh trong việc giúp Nhật Bản xử lý vấn đề hạt nhân. Đại diện 6 nhà thầu quốc phòng lớn của Anh, gồm BAE Systems, AgustalWestland, Babcock, MBDA, Rolls Royce và Thales, tháp tùng thủ tướng trong chuyến đi này tin rằng đây sẽ là cơ hội lớn cho họ khi Nhật Bản chịu mở cửa thị trường quốc phòng trị giá nhiều tỉ USD hồi năm ngoái. Anh hy vọng sẽ giành được thị phần tại xứ sở Mặt trời mọc ở lĩnh vực vốn chỉ giành cho các công ty Nhật và Mỹ kể từ năm 1967.

Báo Mainichi của Nhật Bản tuần trước dẫn lời giới chức quốc phòng ở Tokyo cho biết Thủ tướng Cameron và Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda sẽ chính thức khởi động các cuộc đàm phán về hợp tác quốc phòng. Báo The Guardian của Anh cho biết Thủ tướng Cameron sẽ phải cố gắng rất nhiều để bảo vệ lợi ích của Anh sau sự kiện Nhật Bản gần đây chọn mua máy bay chiến đấu F-35 do nhà thầu Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, chứ không phải chiến đấu cơ Typhoon, chế tạo bởi tổ hợp các nhà thầu quốc phòng châu Âu, trong đó có BAE Systems.

Văn phòng Thủ tướng Anh cho rằng những năm gần đây, Luân Đôn đã bỏ lỡ mối quan hệ với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và cũng là nhà đầu tư lớn của xứ sương mù, với tổng vốn đầu tư hơn 26 tỉ bảng và giúp Anh tạo ra 130.000 việc làm. Chính vì vậy, Thủ tướng Cameron xác định sẽ khôi phục lại quan hệ liên minh với Nhật. “Mối quan hệ giữa Anh và Nhật rất tốt. Chúng ta vốn là những người bạn cũ, là đồng minh cũ và là đối tác trong nhiều lĩnh vực. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể đưa mối quan hệ này vươn xa hơn” - ông Cameron trả lời phỏng vấn trên nhật báo Yomiuri của Nhật Bản.

Bên cạnh Nhật Bản, tâm điểm của chuyến công du châu Á lần này của Thủ tướng Anh còn có Myanmar, nơi ông sẽ có chuyến thăm lịch sử vào ngày 13-4. Ông Cameron sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên ở phương Tây đến thăm Myanmar kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh cấm vận đối với chế độ quân sự nước này cuối thập niên 1990. Một bộ trưởng trong chính phủ của Tổng thống Myanmar Thein Sein nói với báo Financial Times (Mỹ) rằng cuộc viếng thăm của ông Cameron sẽ là “một thời khắc quan trọng” đối với nước này. Nó diễn ra trước khi Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) ngày 23-4 để xem xét lại chính sách cấm vận Myanmar. Dự kiến, các cuộc gặp giữa Thủ tướng Cameron với Tổng thống Thein Sein sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ song phương trong bối cảnh Myanmar đang đẩy mạnh cải cách.

Được biết, Anh gần đây đã trở thành một trong những nước viện trợ nhiều nhất cho Myanmar. Trong chuyến thăm hồi tháng Giêng, Ngoại trưởng Anh William Hague cam kết viện trợ 289 triệu USD cho các dự án giáo dục và y tế ở Myanmar trong vòng 3 năm. Số tiền viện trợ được dự báo sẽ gia tăng đáng kể trong những năm tiếp theo sau khi phương Tây xem xét nới lỏng hoặc dỡ bỏ cấm vận quốc gia Đông Nam Á này.

THANH TRÚC (Theo Guardian, Financial Times)

Chia sẻ bài viết