28/06/2022 - 19:34

Thử thách lớn cho thượng đỉnh NATO 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) sẽ nhóm họp tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) trong 2 ngày 29 và 30-6 giữa lúc Nga mở rộng “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine - thử thách lớn nhất mà liên minh quân sự này phải đối mặt trong nhiều thập niên.

Binh sĩ NATO tại thị trấn Orzysz (Ba Lan). Ảnh: AFP

Theo tờ USIP, Hội nghị thượng đỉnh lần này dự kiến sẽ tập trung nhiều vào việc thể hiện sự thống nhất của NATO, sự ủng hộ đối với Ukraine và xem xét yêu cầu gia nhập liên minh gồm 30 nước thành viên của Phần Lan và Thụy Ðiển. Bên cạnh đó, diễn biến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng sẽ trở thành chủ đề thảo luận hàng đầu tại hội nghị khi mà các đối tác khu vực của NATO, gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc cũng tham dự hội nghị.

USIP cho biết, hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay sẽ cho thấy nhiều điểm khác biệt. Mặc dù các nước đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương từng tham dự các hội nghị thượng đỉnh do NATO tổ chức trước đây nhưng chỉ là ở cấp bộ trưởng. Lần này, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đều cam kết tham dự hội nghị, đánh dấu lần đầu tiên “Bộ tứ” này tham gia Hội nghị thượng đỉnh NATO ở cấp lãnh đạo.

Một điểm khác biệt nữa là hội nghị sẽ luận bàn xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong một thông cáo cấp thượng đỉnh năm 2019, NATO lần đầu thừa nhận rằng sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc mang lại cho liên minh này thách thức cũng như cơ hội. Ðến hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2021, quan điểm của NATO về Trung Quốc có chút thay đổi. Tuyên bố chung của hội nghị năm đó lưu ý rằng “tham vọng và hành vi quyết đoán” của Trung Quốc đã tạo nên “những thách thức có hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh” của NATO.

Giới phân tích cho rằng hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid có khả năng sẽ tiếp tục đưa Trung Quốc vào “tầm ngắm” trong bối cảnh liên minh quân sự này chuẩn bị đưa ra một học thuyết mới trước những đổi thay của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn. Dự kiến, các nhà lãnh đạo NATO sẽ thông qua tài liệu Khái niệm chiến lược mới, thay thế khái niệm hiện có từ năm 2010, trong đó chú trọng việc quân đội Trung Quốc ngày càng vươn rộng đến Thái Bình Dương và ra xa hơn. Mới đây, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg còn cho rằng Trung Quốc “đang công khai thách thức trật tự dựa theo luật của thế giới”.

Nỗ lực của NATO để đưa các đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Madrid là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm hợp lý hóa các đối tác này vào cấu trúc và chức năng của NATO. Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc là đối tác chính thức của NATO từ đầu những năm 2010. “Bộ tứ” này đều là những nền dân chủ chia sẻ giá trị với các đồng minh NATO, quan tâm đến việc giảm thiểu các mối đe dọa an ninh quốc tế, sở hữu lực lượng quân sự tinh vi và có năng lực. Trong khi Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các đồng minh hiệp ước của Mỹ, New Zealand là đối tác thân thiết của Washington. Từ lâu, NATO và các đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực, gồm các công nghệ mới nổi, chống tin giả, an ninh mạng, an ninh hàng hải, không gian và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Các đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương có lịch sử chung sống lâu đời với Trung Quốc, có thể cân bằng lợi ích kinh tế và an ninh, đẩy lùi các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, răn đe và xử lý bằng các biện pháp cưỡng chế - những điều vô cùng quý giá đối với các đối tác châu Âu. Châu Á - Thái Bình Dương cũng là nơi có sự cạnh tranh chiến lược của Nga trong bối cảnh quan hệ Nga - Trung đang thắt chặt hơn bao giờ hết.

Các đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược khu vực rộng lớn hơn là Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ðây là một trong những khu vực năng động nhất thế giới và được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ toàn cầu trong những năm tới. Tầm quan trọng của khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và tác động của nó đối với các vấn đề toàn cầu ngày càng được nhận ra không chỉ ở Mỹ, mà còn ở châu Âu.

Trong cuộc họp báo hôm 27-6, Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết NATO có kế hoạch mở rộng quy mô lực lượng phản ứng nhanh  từ 40.000 người hiện nay lên hơn 300.000 người. Ông khẳng định việc mở rộng các nhóm chiến đấu lên cấp lữ đoàn và tăng số lượng lực lượng sẵn sàng chiến đấu sẽ tăng cường khả năng tiếp viện trong khủng hoảng và xung đột. Các biện pháp này kết hợp sẽ tạo thành cuộc cải tổ lớn nhất về khả năng phòng thủ và sự hiện diện tập thể của liên minh quân sự kể từ Chiến tranh Lạnh. 
Để làm được điều này, ông Stoltenberg kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa vào quốc phòng. Các nước thành viên NATO đã cam kết dành 2% GDP của họ cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024, nhưng chỉ 9 trong số 30 thành viên đạt được mục tiêu này vào năm 2022 gồm Hy Lạp, Mỹ, Ba Lan, Litva, Estonia, Anh, Latvia, Croatia và Slovakia.  

Chia sẻ bài viết