01/08/2019 - 08:59

Thu nhập cao nhờ trồng sầu riêng 

Ông Hồ Văn Thế, khu vực Trường Trung, phường Trường Lạc, quận Ô Môn được nhiều người biết tiếng bởi tính cần cù, ham học hỏi và ứng dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Thế đã thành công từ mô hình trồng sầu riêng, với thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn giúp nhiều hội viên phát triển mô hình trồng sầu riêng, thu nhập ổn định.

Với diện tích 12 công trồng sầu riêng, ông Thế có thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng/ năm.

Trước khi trồng sầu riêng, 12 công vườn của ông Thế trồng cam mật, chanh và cho thu nhập khá. Tuy nhiên, nhận thấy giá của loại trái cây này bấp bênh, thường rớt giá, ông Thế chuyển đổi sang cây trồng mới với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 1999, ông Thế được một trại bán cây giống giới thiệu giống sầu riêng sữa, hạt lép. Ông quyết định đốn bỏ vườn chanh già cỗi để trồng 4 công sầu riêng. Ông Thế chia sẻ: “Bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, vì thế, thời gian đầu trồng sầu riêng, tôi gặp nhiều khó khăn, cây kém phát triển. Tỷ lệ đậu trái thấp và khi thu hoạch thì trái chín bị sượng, hậu đắng...”. Để giải quyết những vấn đề này, ông Thế đi tham quan các mô hình trồng sầu riêng và tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về kỹ thuật trồng và chăm sóc giống sầu riêng. Nhờ đó, ông ứng dụng các quy trình vào sản xuất, sầu riêng cho năng suất cao.

Năm 2001, ông Thế quyết định đốn bỏ diện tích chanh còn lại để trồng sầu riêng Ri6. Ông Thế cho biết: “Năm 2018, 12 công sầu riêng cho thu hoạch được 18 tấn trái, bán với giá 45.000/đồng/kg, thu nhập được 800 triệu đồng. Riêng năm 2019, do thời tiết thay đổi bất thường, vườn sầu riêng của gia đình thu hoạch được khoảng 13 tấn và được các thương lái đặt tiền cọc 45.000 đồng/kg. Nếu trừ hết chi phí, năm nay, gia đình tôi còn lời trên 400 triệu đồng”.

Là người dày dặn kinh nghiệm trong việc trồng sầu riêng, ông Thế đã nghiên cứu và ứng dụng thành công việc xử lý cho cây sầu riêng ra hoa vụ nghịch để bán giá cao. “Đặc tính của cây sầu riêng là từ khi xiết nước xử lý ra hoa đến khi thu hoạch là 6 tháng. Để cho sầu riêng ra trái sớm vụ, vào khoảng tháng 9-10 âm lịch là tôi xiết nước kết hợp với bón phân để cây ra hoa. Sau khi cây ra hoa, phải bón phân, phun thuốc theo định kỳ để sầu riêng phát triển”.  Một số sâu, bệnh cây sầu riêng thường gặp như xì mủ trên thân, cháy lá, bọ trĩ và rầy xanh tấn công. Nếu chúng ta phun thuốc theo định kỳ để phòng, chống thì sẽ hạn chế được tình trạng sâu bệnh xâm nhập.

Bên cạnh đó, năm 2018, ông Thế đầu tư hơn 80 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc cho 12 công vườn sầu riêng. “Trước đây, gia đình tôi tốn 1 khoản chi phí rất lớn để thuê nhân công tưới nước, phun thuốc. Tuy nhiên, việc thuê nhân công cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không có ai để thuê. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc đến nay, gia đình tôi đã chủ động hơn trong việc chăm sóc, tiết kiệm được chi phí nhưng cây phát triển xanh tốt”.

Bài, ảnh: K.V

Chia sẻ bài viết