09/11/2010 - 08:37

KỲ HỌP THỨ 8 QUỐC HỘI KHÓA XII

Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011

* Tăng trưởng GDP từ 7-7,5% so với năm 2010
* Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Sáng 8-11, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và dự án Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đa số các đại biểu thống nhất với việc chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong cùng một ngày.

Đề cập đến số người trong danh sách ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử, các đại biểu Lương Phan Cừ (Đắc Nông), Danh Út (Kiên Giang), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng Luật quy định quá chung chung, nếu chỉ quy định số dư trong danh sách ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó sẽ dẫn đến tình trạng có đơn vị bầu cử số người ứng cử chỉ nhiều hơn số đại biểu được bầu là một người, trường hợp bất khả kháng người ứng cử bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị chết hoặc vì lý do bất khả kháng, phải xóa tên trong danh sách bầu cử thì đơn vị bầu cử đó sẽ không có số dư hoặc phải giảm số đại biểu được bầu để bảo đảm số dư theo đúng quy định của luật. Do vậy, để mở rộng tính dân chủ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đại biểu, tránh hình thức, các đại biểu khẳng định cần quy định cứng số dư tại mỗi đơn vị bầu cử phải ít nhất là hai người.

Về vấn đề thời gian công bố ngày bầu cử, thực hiện các quy trình cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, phần lớn đại biểu đều thống nhất nâng thời gian lên tổng cộng là 120 ngày thay vì 105 ngày trước đây. Lý giải điều này, đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) và Danh Út (Kiên Giang): 105 ngày là quy định cũ dành riêng cho một kỳ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và không còn phù hợp. Lần này, ta thực hiện gộp cả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số lượng ứng cử viên rất nhiều nên để các bước hiệp thương được chủ động tốt hơn, cần phải tăng số ngày lên cho thỏa đáng. Theo đó, thời gian thành lập Hội đồng bầu cử ở cấp Trung ương, Ủy ban bầu cử ở các tỉnh thành phố, Ban bầu cử ở mỗi đơn vị bầu cử cũng có số ngày tăng lên tương ứng, thời hạn niêm yết danh sách cử tri trước ngày bầu cử cũng cần được nới rộng để đảm bảo thuận lợi cho cử tri theo dõi, kiểm tra.

Liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn đại biểu, việc công khai tài sản, sự tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng), Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An), Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương) cho rằng cần cụ thể hóa tiêu chuẩn của đại biểu về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, đạo đức... trong văn bản dưới luật. Đại biểu cần có năng lực hoạt động thực tiễn, các tiêu chí về tiêu chuẩn phải được định lượng rõ ràng, cụ thể để cử tri xem xét, lựa chọn. Việc kê khai tài sản của người ứng cử là cần thiết và phải thực hiện làm sao cho thiết thực, tránh hình thức. Đại biểu Phùng Thị Chư (Yên Bái) băn khoăn: Luật quy định việc công khai tài sản nhưng chỉ để lưu hồ sơ, đến khi xảy ra tình trạng tố cáo mới xem xét, đây là hạn chế của công tác hiệp thương. Đại biểu đề nghị phải thực hiện công khai tài sản tại nơi cư trú và nơi công tác. Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc thêm cơ cấu thành phần đại biểu, tỷ lệ đại biểu nữ...

Các đại biểu cũng tán thành việc không tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại các địa phương đang thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu cho rằng đây là điều mà cử tri nông dân cả nước đang hết sức mong mỏi.

Dẫn chứng về việc một số tổ chức, doanh nghiệp được giao đất nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà cho thuê lại với giá cao, thực chất là kiểu phát canh thu tô, gây nhiều xáo trộn, bức xúc cho nhân dân khi người dân còn thiếu đất sản xuất, các đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) đề nghị không thực hiện miễn thuế sử dụng đất với diện tích này. Hai đại biểu này kiến nghị Quốc hội nghiên cứu rà soát lại toàn bộ diện tích đất đã giao cho các tổ chức, doanh nghiệp nhưng không phát huy hiệu quả, trước mắt tăng thu thuế gấp 2 - 3 lần so với định mức thu đất nông nghiệp, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời ngăn trường hợp cho thuê sử dụng đất không đúng mục đích. Về lâu dài, thu hồi để giao lại cho chính quyền địa phương để chia cho nhân dân tiến hành sản xuất.

Theo nhiều đại biểu quy định miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho hộ nghèo có diện tích 3 ha theo khoản 2 điều 1 là không cần thiết vì thực tế chưa hộ nghèo nào có tới 3 ha đất nông nghiệp vì nếu nghèo, họ sẽ bán bớt đất để sinh sống chứ không chờ còn tới 3 ha để được miễn giảm. Các đại biểu kiến nghị những diện tích sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch thì thực hiện miễn toàn bộ diện tích để tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất, tiến tới sản xuất lớn và cũng là phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp bền vững. Các đại biểu đề xuất thời hạn miễn thuế nên để 10 năm, từ 2011 - 2020 sau đó tính tới miễn lâu dài cho dân.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết sẽ tiếp tục cân nhắc các vấn đề phát sinh và sửa đổi cho phù hợp với Luật đất đai. Việc miễn toàn bộ hay thu thuế đối với diện tích vượt hạn mức được sử dụng trồng cây lâu năm cũng còn phải cân nhắc vì số thu rất nhỏ nhưng phần lớn các đối tượng này có nhiều đất và làm ăn tốt, thu nhập cao nên đặt vấn đề thu thuế để điều tiết cho công bằng xã hội. Bộ cũng sẽ tiếp tục xem xét đối với đất sử dụng sai mục đích.

* Chiều 8-11, Quốc hội đã thông qua toàn văn dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 với 84,58% số đại biểu tán thành.

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 là tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu Quốc hội cũng thông qua các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường với số phiếu cao. Đó là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7-7,5% so với năm 2010; chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng 10% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu.

Các chỉ tiêu về xã hội bao gồm 8 chỉ tiêu, trong đó tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2‰; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn mới, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%...

Trong các chỉ tiêu về môi trường, có tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 86%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 78%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 69%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 55%; tỷ lệ che phủ rừng 40%...

Về một số nhiệm vụ, giải pháp chính, Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội cơ bản tán thành các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình, kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề.

Xác định năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, có vị trí hết sức quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Quốc hội yêu cầu tập trung triển khai 6 nhiệm vụ và giải pháp chính. Đó là: Chỉ đạo, thực hiện các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển; Thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm cơ cấu đầu tư trong từng ngành, từng lĩnh vực, cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư; Triển khai kịp thời các chính sách bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội và môi trường bức xúc; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường đào tạo, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.

THANH VÂN - BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết