10/06/2019 - 20:44

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Thông qua 2 nghị quyết và thảo luận 2 dự án Luật 

Quốc hội sẽ giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 10-6, với 92,15% đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của QH năm 2020.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9 (năm 2020), QH xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. QH tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH. Cũng tại Kỳ họp này, QH xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH, Đoàn đại biểu QH và đại biểu QH (nếu có).

Tại Kỳ họp thứ 10, QH xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021;… Việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan cũng được QH xem xét tại kỳ họp này. Bên cạnh đó, QH xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn tại phiên họp;…

Cũng trong sáng 10-6, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chiều ngày 10-6, QH tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của QH về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Với 420/445 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 86,78% tổng số đại biểu QH), QH chính thức thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của QH về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Nghị quyết quy định bổ sung Điều 1a vào sau Điều 1 của Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của QH về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Trong đó, Điều 1a quy định việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: Cụ thể, kể từ ngày 10-6-2019 đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình QH xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp.

Sau nội dung này, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Chia sẻ bài viết