27/11/2019 - 09:48

Công an chính quy về cơ sở

Thới Lai dồn sức về đích huyện nông thôn mới 

Thới Lai đã “khoác chiếc áo mới” sau 9 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, chất lượng giáo dục, y tế hiện đại, mang lại sự hài lòng cho người  dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, kinh tế tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao...

Xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai vừa ra mắt xã nông thôn mới vào tháng 8-2019.

Khởi sắc

Bắt tay xây dựng NTM, qua rà soát số tiêu chí các xã đạt thấp: 1 xã đạt 7 tiêu chí, 5 xã đạt 4 tiêu chí, 1 xã đạt 3 tiêu chí, 4 xã đạt 2 tiêu chí  và 1 xã đạt 1 tiêu chí. Tuy nhiên, Đảng bộ và nhân dân trong huyện, quyết tâm vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ, đưa huyện nhà phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: Các xã đã xác định rõ cách làm, bước đi triển khai xây dựng NTM phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Từ đó, phát huy tối đa vai trò của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả tại mỗi địa phương.

Là huyện thuần nông, Thới Lai phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đa dạng cây trồng, vật nuôi; trong đó, lúa, thủy sản trở thành thế mạnh cung ứng hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá trị sản xuất nhiều loại cây trồng được nâng lên. Tổng giá trị sản xuất bình quân trên một héc-ta đất (trồng trọt và nuôi trồng thủy sản) đạt bình quân 156 triệu đồng/ha/năm, tăng 76 triệu đồng/ha so năm 2011. Huyện đã xây dựng được cánh đồng lớn theo quy trình sản xuất lúa an toàn với diện tích 1.500ha; hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả: mô hình trồng thanh long ruột đỏ, trung bình sản xuất 4-5 vụ/năm, lợi nhuận đạt 356 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng dưa hấu chuyên canh bình quân 3 vụ/năm, lợi nhuận từ mô hình đạt 517,37 triệu đồng/ha/năm... Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt 46,65 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2,5 lần so với năm 2011; trong đó, xã cao nhất đạt 50,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 giảm còn  2,64%, thấp hơn 4 lần so năm 2011. Đặc biệt, để giảm nghèo bền vững, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các đoàn thể tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; kết hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, mua bán nhỏ, giải quyết việc làm để vươn lên thoát nghèo.

Hệ thống giao thông chuyển biến rõ nét, huyện đã tập trung huy động nhiều nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân về kinh phí và hiến đất theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đến nay đã có 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, giao thông liên ấp thông suốt đi lại dễ dàng. Hệ thống trường lớp trên địa bàn các xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn và được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, đạt 75,6%. Đến nay, 99,7% số hộ dân sử dụng điện sinh hoạt thường xuyên và an toàn, điện phục vụ sản xuất đạt 100%; hình thành 13 cống và xây dựng 1 trạm bơm điện phục vụ chủ động tưới tiêu cho 10.500ha lúa. Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, trang bị các phương tiện, vật chất tương đối hoàn chỉnh. Ở các xã đều có Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, sân chơi thể thao, Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp... phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ và các hoạt động thể thao của nhân dân. Trên địa bàn huyện, 80% lượng rác thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý với khối lượng khoảng 50 tấn/ngày. Những nơi chưa thực hiện hợp đồng đơn vị thu gom, xử lý rác, UBND huyện chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phân loại xử lý rác tại hộ gia đình…

Dồn sức “về đích”

Kết quả xây dựng NTM huyện Thới Lai đáng ghi nhận khi huyện đã rút ngắn lộ trình sớm hơn 1 năm, chuẩn bị về đích huyện NTM năm 2019. Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối NTM TP Cần Thơ, qua rà soát Bộ tiêu chí huyện NTM, Thới Lai cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí. Riêng tiêu chí số 5 về Y tế - Văn hóa - Giáo dục, huyện vẫn còn một số công trình cần hoàn thiện đạt yêu cầu tiêu chí, như: Trường THPT Thới Lai, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, quảng trường huyện…

Để chuẩn bị công nhận đạt chuẩn huyện NTM, ngay từ đầu năm 2019, bên cạnh hoàn thành NTM 1 xã còn lại, Thới Lai quan tâm đầu tư xây dựng các công trình. Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: Trong công tác xây dựng, huyện chuẩn bị hồ sơ, thủ tục và khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện trong tháng 11 này. Đối với quảng trường huyện, thành phố cấp vốn đầu tư, hiện tiến độ thi công đạt khoảng 45% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong tháng 1-2020. Về cảnh quan môi trường, 12 xã và 1 thị trấn trên địa bàn đã ra quân tiến hành phát quang bụi rậm, vệ sinh dọc các tuyến đường, đảm bảo cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng nhấn mạnh: Thới Lai hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Trung ương xét công nhận huyện NTM vào tháng 12-2019 và phấn đấu ra mắt huyện NTM trong quý II-2020. Song, các bước thực hiện cần theo đúng quy định, công nhận đúng thực chất, không chạy theo thành tích. Huyện tiến hành rà soát, thẳng thắn đánh giá từng tiêu chí đạt ở mức độ nào, từ đó có kế hoạch hoàn thiện, nâng chất, không thực hiện qua loa. Theo đó, Thới Lai cần xây dựng kế hoạch cụ thể từ nay đến ngày ra mắt huyện NTM, phân công người thực hiện, thời gian cụ thể để chủ động thực hiện. Trong công tác chỉ đạo điều hành, Huyện ủy, UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động người dân cùng tham gia xây dựng NTM. Đối với các sở, ngành, căn cứ tiêu chí NTM thuộc ngành phụ trách, đóng góp, hỗ trợ, hướng dẫn địa phương hoàn thiện theo đúng quy định…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết