|
Thủ tướng Nga Vladimir Putin (trái) tiếp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 13-1. Ảnh: AFP |
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa có chuyến thăm 2 ngày tới Mát-xcơ-va. Trong nỗ lực đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm trung chuyển dầu khí quan trọng cho châu Âu, ông Erdogan đã đạt được một số thỏa thuận với Nga về việc xây dựng các đường ống dẫn dầu khí ngang qua nước này. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn Nga hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện nguyên tử qui mô lớn.
Sau cuộc hội đàm với ông Erdogan hôm 13-1, Thủ tướng Nga Vladimir Putin thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ Nga xây dựng đoạn quan trọng trong tuyến ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Nam đi qua lãnh hải nước này ở Biển Đen. Theo ông Putin, hai bên đã nhất trí rằng vào khoảng tháng 11-2010, phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện công tác kiểm tra để Nga khởi công xây dựng đoạn ống dẫn này. Dòng chảy phương Nam trị giá 11 tỉ USD chuyển khí đốt từ Nga và Trung Á tới châu Âu, được xem là “đối thủ” của tuyến Nabucco do phương Tây bảo trợ; và không đi qua Ukraina, vốn đang tranh cãi về giá phí trung chuyển với Mát-xcơ-va.
Tuyến ống dẫn khí đốt thứ hai đi từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ dưới Biển Đen mang tên Dòng chảy Xanh cũng được hai bên thảo luận bước thực hiện kế tiếp. Theo một quan chức Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước có thể tăng công suất của Dòng chảy Xanh và mở rộng tới Israel. Thủ tướng Erdogan cũng tranh thủ sự ủng hộ của Nga cho đường ống dẫn dầu đi từ cảng Samsun ở Biển Đen tới Ceyhan ở Địa Trung Hải. Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin cho biết Nga sẽ cung cấp dầu cho đường ống dẫn này, và hai bên đang đàm phán về mức độ tham gia của Nga, có thể lên tới 50% cổ phần. Phó Thủ tướng Sechin và Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz cũng đã ký tuyên bố về hợp tác xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ với kinh phí dự kiến lên tới 20 tỉ USD.
Tuy tăng cường hợp tác với Nga nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đối tác quan trọng của tuyến Nabucco đưa khí đốt từ vùng biển Caspie tới châu Âu, do Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng với mục tiêu giúp khu vực này giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Cần nhắc lại rằng vài năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực gia nhập EU nhưng không thành công. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng những thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cho thấy tham vọng của Ankara muốn có vai trò chính trị lớn hơn ở khu vực, từ Trung Đông tới Nga và Trung Á. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn cho chính sách đối ngoại của Ankara khi phải cân bằng giữa Đông và Tây. Ian Lesser, nhà phân tích tại Quỹ Marshall Đức ở Washington, cho rằng Ankara sẽ phải đối mặt với sức ép và những lựa chọn khó khăn một khi quan hệ giữa Nga với phương Tây trở nên cạnh tranh hơn.
N. KIỆT (Theo Reuters, RIA Novosti, BBC)