20/12/2018 - 20:44

Thổ Nhĩ Kỳ khó xử 

Hôm 19-12, Nga tuyên bố vẫn sẽ bàn giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 (ảnh, phải) cho Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp việc Mỹ gần đây đồng ý bán lá chắn Patriot (ảnh, trái) trị giá 3,5 tỉ USD cho Ankara.

 Ảnh: YouTube

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lập luận rằng các giao dịch vũ khí của Nga và Mỹ nên được coi riêng biệt và Nga đang trong quá trình cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Washington dẫn đầu. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ “bật đèn xanh” để triển khai thương vụ bán hệ thống phòng không - gồm 140 tên lửa Patriot, các trạm radar và kiểm soát dưới mặt đất- cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ này cũng đã gửi thông báo đến Đồi Capitol về đề xuất bán Patriot cho Ankara, động thái có thể báo hiệu một bước đột phá với đồng minh NATO vốn đang xích lại gần Mát-xcơ-va. Mặc dù thỏa thuận này cần được Quốc hội Mỹ thông qua, nhưng bước đi trên được xem là nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ kế hoạch mua S-400.

Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận mua hệ thống tên lửa đất đối không của Nga với giá 2,5 tỉ USD. Tuy nhiên, việc Ankara muốn sở hữu lá chắn tên lửa hiện đại của Mát-xcơ-va đã khiến các thành viên khác của NATO và Washington lo ngại. Mỹ và các đồng minh sợ rằng khí tài của Nga có thể cho phép nước này thu thập thông tin tình báo về Mỹ và các hệ thống của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn bổ sung tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ vào kho vũ khí của mình. Nhưng cũng chính thỏa thuận S-400 đã ảnh hưởng đến tham vọng đó. Washington cực lực phản đối thương vụ S-400  nên mới có chuyện Quốc hội Mỹ tìm cách ngăn cản việc chuyển giao chiến đấu cơ tối tân cho Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nguồn thạo tin, các nghị sĩ Mỹ đã dịu giọng sau khi Nhà Trắng trấn an rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu đồng minh này sắm S-400. Đáng nói, Ankara lại là đối tác chủ chốt trong chương trình phát triển F-35 và đã đặt mua gần 100 chiếc.

Được trang bị 8 ống phóng và 32 tên lửa, S-400 có khả năng tấn công các máy bay tàng hình như F-35. Giới chức Mỹ lo sợ công nghệ nhạy cảm của F-35 vốn được thiết kế để tránh các hệ thống như S-400 có thể sẽ bị “hóa giải” và được sử dụng để cải tiến hệ thống phòng thủ trên không của Nga nếu Thổ Nhĩ Kỳ trang bị cả hai khí tài này. Cụ thể, hệ thống máy tính của S-400 bị nghi có thể thu thập dữ liệu quan trọng về F-35 và gửi ngược về Mát-xcơ-va. Bên cạnh đó, đề xuất bán tổ hợp tên lửa Patriot cũng làm phức tạp thỏa thuận mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ bởi hai khí tài này không thể vận hành song song với nhau.

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ không cho thấy dấu hiệu ngừng theo đuổi S-400. Tháng rồi, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói rằng nước này muốn mua tên lửa Patriot nhưng chưa hề nhận được cam kết từ Washington. Ông cũng khẳng định không thể hủy thỏa thuận S-400. Trong những tuần gần đây, Ankara đã tích cực “kiểm soát thiệt hại” trong quan hệ với Washington bằng cam kết trao cơ hội cho các chuyên gia kỹ thuật Mỹ nghiên cứu bất cứ hệ thống S-400 nào nhập từ Nga.

 THANH BÌNH (Theo NBC, CNN)

 

Chia sẻ bài viết