06/01/2018 - 09:39

Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ với EU 

Sau những mâu thuẫn ngoại giao trong năm 2017, chuyến công du Pháp hôm 5-1 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được xem là cơ hội để Ankara xoa dịu căng thẳng với Liên minh châu Âu (EU), qua đó thúc đẩy mục tiêu gia nhập khối này mà Ankara theo đuổi kể từ năm 1987.

Tổng thống Pháp Macron (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Đây là chuyến đi đầu tiên của Tổng thống Erdogan đến một quốc gia chủ chốt của châu Âu kể từ sau sự kiện đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7-2016. Quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống mức thấp nhất, làm ảnh hưởng tiến trình đàm phán sau cuộc khẩu chiến giữa Brussels và Ankara liên quan chiến dịch thanh trừng của chính quyền Erdogan nhằm vào những người bị cho liên quan đến vụ binh biến. Mâu thuẫn tiếp tục bị đẩy cao với những phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ các công dân Đức vì những cáo buộc liên quan đến chính trị. Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Song, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ Ankara về cách giải quyết sự kiện 2016. Căng thẳng leo thang khi cả hai liên tục có những phát biểu công kích lẫn nhau. Vào thời điểm diễn ra bầu cử Đức 2017, Tổng thống Erdogan còn kêu gọi cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức không bỏ phiếu cho 3 đảng chủ chốt. Trong khi đó, Berlin cảnh báo sẽ sử dụng ảnh hưởng quốc tế để yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt các cuộc đàm phán để Ankara trở thành thành viên EU.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 và tiến trình đàm phán chỉ được bắt đầu từ năm 2005. Theo quy định, Ankara phải hoàn thành các cuộc đàm phán về 35 chương. Tính đến tháng 5-2016, 16 chương đã được mở nhưng chỉ mới hoàn thành duy nhất một chương. Từ tháng 12-2016, các nước thành viên EU cho biết không có chương mới nào tiếp tục mở ra. Trước chuyến đi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến Pháp, phát ngôn viên của ông Erdogan tái khẳng định trở thành thành viên EU là “mục tiêu chiến lược” của Ankara. “Chúng tôi muốn vượt qua những trở ngại và mở ra một trang mới trong tiến trình đàm phán” – trang France 24 dẫn lời người phát ngôn Ibrahim Kalin.

Theo giới phân tích, chuyến thăm châu Âu của ông Erdogan chứng tỏ Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn hâm nóng quan hệ giữa nước này với Brussels. Trong khi đó, việc Tổng thống Emmanuel Macron bất chấp phản ứng trong nước để đóng vai trò chủ nhà cho thấy lãnh đạo Pháp sẵn sàng làm trung gian hòa giải quan hệ căng thẳng giữa Ankara và EU. Hiện tại, EU và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ nhiều lợi ích trong đầu tư và thương mại. Mặt khác, Brussels vì lý do địa chiến lược cũng không muốn “chia tay” Ankara khi thỏa thuận di cư giữa hai bên đang giúp ngăn đáng kể dòng người tị nạn kéo sang phương Tây. Trong tuyên bố hồi tháng 9-2017, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh EU phải tránh mọi sự đổ vỡ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này là một đối tác “cốt yếu” của khối trong hàng loạt vấn đề mà châu Âu đang đối mặt, bao gồm khủng hoảng người di cư và mối đe dọa khủng bố.

Trong diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 5-1 lên tiếng kêu gọi “chấm dứt vòng xoáy khủng hoảng, mở ra khởi đầu mới” trong quan hệ với Đức. Tuyên bố này được đưa ra trước cuộc gặp giữa ông với người đồng nhiệm Đức Sigmar Gabriel vào hôm nay 6-1.

MAI QUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết