KIẾN QUỐC
Thiết bị công nghệ và mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống với nhiều tính năng ưu việt. Với chiếc điện thoại di động trên tay, mọi người đều có thể làm việc, giải trí, trò chuyện với bạn bè… bất kể nơi đâu. Về phía gia đình, những tiện ích công nghệ giúp tăng sự liên kết giữa các thành viên. Song nếu không biết tiết chế, chính điều này lại vô tình trở thành nguyên nhân gây chia rẽ, ít nhiều làm vơi hạnh phúc gia đình.
Chị Hồng Diễm dành nhiều thời gian vui chơi bên con cái. Trong ảnh: Một buổi tiệc sinh nhật do gia đình chị Hồng Diễm tổ chức. Ảnh: CTV
Vui buồn thời 4.0
Gia đình chị Kim Lài ở quận Bình Thủy, tuy sống xa nhau nhưng tình cảm vẫn luôn gắn kết. Chồng chị Lài là quân nhân, thường xuyên công tác xa nhà. Nhờ tiện ích công nghệ và mạng xã hội nên vợ chồng chị vẫn giữ liên lạc thường xuyên, cùng san sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Chị Lài kể: “Chỉ cần điện thoại có kết nối mạng, hai vợ chồng dù cách xa nhau vẫn hoàn toàn có thể thấy nhau, trò chuyện, tâm sự với nhau mỗi ngày. Nhờ đó, vợ chồng tôi khuây khỏa nỗi nhớ và hơn hết là tạo sự tin tưởng, thương yêu nhau nhiều hơn”.
Cũng như chị Lài, chị Khoa ở quận Ninh Kiều, sống xa gia đình nhiều năm qua. Sau tốt nghiệp đại học, chị rời xa cha mẹ để sang Ðài Loan học tập và làm việc. Mỗi năm, chị chỉ có thể tranh thủ về chăm cha mẹ ít ngày. Hơn 2 năm nay, do dịch bệnh nên chị vẫn chưa có điều kiện về quê hương. Dù cách xa nhau nhưng hằng tuần, chị vẫn gọi điện thoại trò chuyện với cha mẹ qua facetime, zalo. Với chị, đây là liệu pháp tinh thần ý nghĩa. Chỉ cần gọi điện thoại về nhà, thấy cha mẹ mạnh khỏe là chị yên lòng.
Lợi ích của thiết bị công nghệ và mạng xã hội không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu không biết tiết chế sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm gia đình. Nhắc đến chiếc điện thoại, bà Hoa ở quận Ninh Kiều, buồn chán chia sẻ: “Nhà có 5 thành viên, gồm: tôi, 2 vợ chồng đứa con trai và 2 đứa cháu nhỏ. Vậy mà sau một ngày dài con cái đi làm, cháu đi học thì khi trở về nhà sum vầy, con cháu lại chăm chú vào chiếc điện thoại. Con thì xem phim, nghe nhạc; 2 đứa cháu thì đòi chơi game… Chẳng ai trò chuyện với nhau. Ðiều đó khiến cho tôi cảm thấy cô đơn, nhàm chán, chỉ biết thui thủi đi ra đi vào”. Bà Hoa kể thêm, gần đây, đứa cháu nhỏ có dấu hiệu nghiện game, không hứng thú trò chuyện cùng ai. Hễ không được chơi game thì cháu lại gào khóc, chửi mắng cả cha mẹ, khiến bà rất lo lắng.
Giữ lửa yêu thương
Chị Hồng Diễm ở quận Bình Thủy, cho biết, hiện nay, hình ảnh mỗi người “ôm” một chiếc điện thoại, ipad thường diễn ra trong nhiều gia đình. Chứng kiến các cặp vợ chồng lạnh nhạt tình cảm chỉ vì mê cuộc sống “ảo”, nhiều trẻ bị nghiện game mà chị Diễm rút ra kinh nghiệm cho mình trong việc giữ hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái. Chị Diễm chia sẻ: “Hầu hết trẻ em đều thích xem điện thoại, con tôi cũng không ngoại lệ. Vì thế, chồng tôi rất nghiêm khắc, chỉ cho phép con sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định và có sự giám sát của người lớn”. Trước những nguy cơ tiềm ẩn của việc lạm dụng thiết bị công nghệ và mạng xã hội, vợ chồng chị luôn làm gương cho con; hướng cho con sử dụng mạng bảo đảm an toàn, lành mạnh. Trên hết, thay vì áp đặt “con không được xem điện thoại”, hay “không được chơi game”,… chị Diễm dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, san sẻ với con cái về những vui buồn ở trường, ở lớp. Vợ chồng chị còn khuyến khích các con tham gia vào những hoạt động giải trí lành mạnh với cha mẹ, như: cùng xem một chương trình truyền hình, cùng chăm sóc vườn cây hay tập thể dục, hát karaoke, tổ chức tiệc sinh nhật,…
Chị Diễm bộc bạch: “Dù thời gian công tác bận rộn đến đâu, vợ chồng tôi vẫn cố gắng duy trì bữa cơm gia đình mỗi ngày. Từ lâu, bữa cơm trong gia đình tôi đã trở thành “nếp nhà”, là dịp để vợ chồng tôi hỏi thăm tình hình học tập của các con, khuyên răn con những điều tốt, điều hay trong cuộc sống. Qua đó, giúp các thành viên luôn cảm thấy mái nhà thật sự là “tổ ấm”, là nơi có tình yêu thương, luôn có sự quan tâm và chăm sóc lẫn nhau”.
Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay, phần lớn các gia đình đều công nhận việc sử dụng thiết bị công nghệ để truy cập mạng xã hội chiếm khá nhiều thời gian trong ngày. Có thể thấy, sự phát triển của công nghệ thông tin với những tính năng ưu việt nhưng cũng là thách thức đối với nhiều gia đình. Mỗi nhà mỗi cảnh, đã có không ít gia đình trẻ vì quá lạm dụng mạng xã hội khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên thiếu gắn kết, không “xa mặt” nhưng lại “cách lòng”. Muốn giữ hạnh phúc gia đình đòi hỏi các thành viên phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ ấm, biết cân bằng và sử dụng hiệu quả những tiện ích công nghệ mang lại. Chỉ khi thật sự dành thời gian cho nhau và luôn có sự đồng cảm, san sẻ thì hạnh phúc gia đình mới gắn kết, bền vững.