23/04/2019 - 12:31

Hợp tác xã nông nghiệp tại ĐBSCL

Thích ứng biến đổi khí hậu, bám sát thị trường 

Mới đây, tại tỉnh Ðồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Ðồng Tháp tổ chức Diễn đàn “Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) vùng ÐBSCL”. Tại Diễn  đàn, các bộ ngành hữu quan, nhà khoa học, quản lý đã đánh giá lại tình hình thực hiện Ðề án thí điểm mô hình HTX kiểu mới tại ÐBSCL do Chính phủ ban hành. Từ đó, đưa ra định hướng chung trong phát triển HTX nông nghiệp thời gian tới: Bám sát theo nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Máy móc phục vụ sản xuất lúa hàng hóa được trang bị tại HTX Nông nghiệp Đại Lợi, huyện Thới Lai.

► Ða dạng và lan tỏa

 Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 445/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL. Theo đó, các địa phương trong vùng đã chọn 176 HTX tham gia. Qua 2 năm thực hiện Đề án trên, số lượng HTX nông nghiệp của toàn vùng cũng tăng nhanh. Tính đến hết năm 2018, toàn vùng ĐBSCL có 1.803 HTX nông nghiệp, chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp của cả nước. Tổng số thành viên HTX nông nghiệp của cả vùng trên 230.000 người, trung bình mỗi HTX nông nghiệp có 130 thành viên. Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đánh giá: Sau 2 năm thực hiện, chất lượng các HTX tham gia thí điểm đã được cải thiện. Quy mô, phương thức hoạt động của các HTX đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đa dạng. Số lượng thành viên, quy mô các HTX đã tăng gấp đôi so với trước đây. Cùng với đó, ý thức tự chủ, quyết tâm vươn lên có sự chuyển biến rõ rệt, tạo sự lan tỏa ra toàn vùng ĐBSCL”.

Thực tế, thời gian qua, tại ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình HTX đa dạng, hoạt động hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, quy mô hoạt động lớn, lên đến hàng ngàn thành viên như HTX nông nghiệp Rạch Lọp (Trà Vinh); HTX Thanh Bình (Đồng Tháp); HTX Vĩnh Cường (Bạc liêu),… Hiện 63% số HTX tham gia thí điểm thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp thông qua 298 đầu mối liên kết. Tổng diện tích tham gia ký kết là 28.639ha, sản lượng hơn 177.710 tấn, giá trị hợp đồng thực hiện là 882,2 tỉ đồng (chưa kể số tiêu thụ theo hợp đồng thỏa thuận). Các HTX cũng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương như: hỗ trợ gia đình chính sách, tham gia đầu tư các công trình công cộng ở địa phương…

Để tăng doanh thu, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp làm ra, vài năm trở lại đây, nhiều HTX đã mạnh dạn ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật thích ứng với BĐKH. Nhiều HTX ở ĐBSCL sử dụng công nghệ 4.0 (thông qua hệ thống cảm biến, sử dụng năng lượng mặt trời, công nghệ trong quan trắc và tự động tưới) vào sản xuất... Ngoài ra, các HTX còn biết tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, tro, trấu để sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị, cải thiện thu nhập. Ông Lê Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Số, cho biết: “Công nghệ nông nghiệp thông minh như: công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ tự động hóa tưới tiêu, công nghệ thông tin, kết nối… rất thích hợp ứng dụng tại ĐBSCL. Đơn cử như một hệ thống kiểm soát và điều khiển tưới thông minh bằng phần mềm cho các cánh đồng trồng trọt quy mô nhỏ và vừa có thể tiết kiệm nước bằng cách tưới về đêm. Khi đó tỷ lệ bốc hơi của nước ít hơn, nhiệt độ đất mát hơn, cây trồng hấp thụ nước tốt hơn dẫn đến hiệu quả tưới cao hơn, tưới ít mà năng suất, việc tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước cũng sẽ là đáng kể cho HTX nông nghiệp”.

► Cần trợ lực

Theo nhận định từ các chuyên gia đầu ngành, thời gian qua, nhiều HTX ở ĐBSCL phát triển không chỉ tăng mạnh về số lượng mà chất lượng hoạt động cũng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, 176 HTX tham gia thí điểm theo đề án trên cũng có nhiều hạn chế như: quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm còn thấp, hoạt đông đơn lẻ, chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, nhất là đầu ra và có ít HTX tham gia vào “Cánh đồng lớn”... Từ thực tế trên, Bộ NN&PTNT đề nghị bổ sung Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp ứng phó với BĐKH. Mục tiêu Đề án nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất các HTX, liên hiệp HTX tại vùng ĐBSCL. Đồng thời, giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt của nông dân trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản, ứng phó với BĐKH…

Để tiếp tục nâng chất hoạt động của các HTX nông nghiệp tại ĐBSCL, nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Theo ông Lê Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Số, tại ĐBSCL, ngành nông nghiệp hiện đang còn đối mặt với rất nhiều vấn đề mà công nghệ thông tin có thể góp phần giải quyết được và đó là cơ hội cho các HTX nông nghiệp và những đơn vị cung cấp giải pháp hợp tác với nhau. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các HTX nông nghiệp và các bên hữu quan nghiên cứu nhận diện các vấn đề tác động đến sản xuất và kinh doanh thích nghi với BĐKH từ đó đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ phù hợp cho HTX.  Ở một góc độ khác, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, HTX không chỉ dừng lại ở liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên mà còn phải tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX vừa nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên và người dân nông thôn.

Diễn đàn cũng ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất về việc khuyến khích sự tham gia của người dân vào HTX thông qua cơ chế tạo lập tài sản không chia của HTX như: hỗ trợ vốn, đất đai làm kho bãi, nhà xưởng, máy móc sơ chế… Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: Thách thức lớn nhất của các HTX ở ĐBSCL là BĐKH và thị trường tiêu thụ. Để khắc phục vấn đề này, trước tiên các HTX phải sử dụng giống chịu hạn mặn, đầu tư thiết bị hiện đại để hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm bán ra. Trong điều kiện hiện nay, các HTX không tự lực làm mà phải có sự tham gia hỗ trợ của chính quyền địa phương. Đó là những chương trình, hành động cụ thể; không chung chung, không chạy theo số lượng, tốt nhất nên có nguồn quỹ cho các HTX phát triển. Tới đây, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương tham mưu cho Chính phủ chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho doanh nghiệp đầu tư vào HTX; xóa nợ cho HTX; xây dựng đề án hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cho các HTX; đưa cán bộ HTX đi nước ngoài học tập kinh nghiệm hoặc mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ HTX tại địa phương,... l

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết