28/11/2012 - 20:50

Hồng Kông (Trung Quốc)

Thị trường tiềm năng tiêu thụ nông sản của ĐBSCL

Mới đây, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo "Xúc tiến Đầu tư-Thương mại với các doanh nghiệp Hồng Kông vào TP Cần Thơ và ĐBSCL" do Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông và Trung tâm xúc tiến Đầu tư phía Nam tổ chức. Tại hội thảo này, tiềm năng thế mạnh về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp như gạo, thủy sản, trái cây… của ĐBSCL có cơ hội để quảng bá. Hồng Kông được biết đến với vai trò là một trung tâm tài chính, đầu mối cung cấp hàng hóa cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các doanh nghiệp Hồng Kông đến ĐBSCL đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản, phát triển du lịch mở ra cơ hội mới để nông sản vùng ĐBSCL xuất ngoại…

* Rộng cửa chào đón nhà đầu tư

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nơi cung cấp chủ lực nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam và là vùng có vị trí địa lý kinh tế quan trọng, với hơn 400 km biên giới trên bộ, 3 vùng biển rộng lớn tiếp giáp với các nước ASEAN… rất thuận lợi phát triển giao lưu thương mại và du lịch. ĐBSCL được Chính phủ và các địa phương trong vùng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư, đây cũng là những điều kiện thuận lợi cho vùng phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng, dù có những khác biệt về vị trí địa lý nhưng các địa phương trong vùng có nhiều nét tương đồng. Ngành kinh tế chính ở ĐBSCL là nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cả nước. Những năm gần đây, kinh tế ĐBSCL có những bước khởi sắc đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, chuyển từ kinh tế thuần nông sang nền kinh tế đa dạng, nông nghiệp chất lượng cao và đang hướng tới nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ… Tuy nhiên, các tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL chưa được khai thác và phát huy tốt. Để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung đang hoan nghênh chào đón tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hợp tác đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Cũng như các địa phương khác, TP Cần Thơ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.

"Với vai trò làm đầu mối cho hoạt động xúc tiến đầu tư toàn vùng, Trung tâm xúc tiến Đầu tư phía Nam thuộc Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các nhà đầu tư Hồng Kông làm ăn lâu dài tại TP Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL"- ông Vũ Xuân Đặng, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư phía Nam đã khẳng định như vậy tại hội thảo "Xúc tiến Đầu tư-Thương mại với các doanh nghiệp Hồng Kông vào TP Cần Thơ và ĐBSCL".

Doanh nghiệp Hồng Kông quan tâm đến lĩnh vực chế biến nông thủy sản ở TP Cần Thơ cũng như ĐBSCL. 

Theo ông Vũ Xuân Đặng, chính sách nhất quán, rõ ràng của Nhà nước Việt Nam đã xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và được khuyến khích phát triển lâu dài, bình đẳng cùng với các thành phần kinh tế khác. Nền kinh tế Việt Nam đã liên tục phát triển ở mức cao trong nhiều năm qua có phần đóng góp đáng kể của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN, trong đó có phần đóng góp của các doanh nghiệp Hồng Kông đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 14.263 dự án có vốn ĐTNN, với tổng vốn đăng ký 208,613 tỉ USD từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, từ Hồng Kông là 692 dự án với tổng vốn đăng ký 11,961 tỉ USD, đứng hàng thứ 6 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào nước ta. Riêng vùng ĐBSCL thu hút được 736 dự án với tổng vốn đăng ký 10,614 tỉ USD, chiếm 5% cả nước, trong đó các nhà đầu tư từ Hồng Kông có 33 dự án với tổng vốn đăng ký là 569,930 triệu USD.

* Cơ hội hợp tác tiêu thụ nông sản

Trong bối cảnh thu hút vốn ĐTNN gặp nhiều khó khăn trên phạm vi quốc tế và trong nước, việc tổ chức hội thảo " Xúc tiến Đầu tư-Thương mại với các doanh nghiệp Hồng Kông vào TP Cần Thơ và ĐBSCL" là nỗ lực lớn của TP Cần Thơ nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại phía Nam cho các doanh nghiệp Hồng Kông. Đồng thời, đây cũng là cơ hội đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hồng Kông, qua đó thức đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của vùng ĐBSCL ra thị trường quốc tế thông qua Hồng Kông.

Hiệp hội Các nhà sản xuất Trung Quốc của Hồng Kông là một hiệp hội quan trọng trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp Hồng Kông được thành lập năm 1934. Hiệp hội này hiện có 3.000 công ty thành viên từ tất cả những lĩnh vực về công nghiệp và thương mại. Tham gia hội thảo " Xúc tiến Đầu tư-Thương mại với các doanh nghiệp Hồng Kông vào TP Cần Thơ và ĐBSCL" có đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất Trung Quốc của Hồng Kông cùng nhiều doanh nhân, doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội. Hiệp hội Các nhà sản xuất Trung Quốc của Hồng Kông và các doanh nghiệp Hồng Kông đã tỏ ra rất quan tâm đến tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của ĐBSCL, nhất là khi ĐBSCL đang có sản lượng lúa gạo chiếm trên 55% và lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% của cả nước; sản lượng thủy sản chiếm trên 53% và giá trị xuất khẩu thủy sản chiếm trên 60%; còn là vùng cây ăn quả lớn nhất cả nước... Hiệp hội Các nhà sản xuất Trung Quốc của Hồng Kông và nhiều doanh nghiệp thành viên đã bày tỏ mong muốn tìm cơ hội hợp tác đầu tư vào lĩnh vực thu mua chế biến và tiêu thụ nông sản tại vùng ĐBSCL. Đồng thời, muốn được tham quan, tìm hiểu thêm về pháp luật của Việt Nam, các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào vùng, điều kiện giao thông đi lại và việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu…để quyết định tiến tới hợp tác, đầu tư và liên kết thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản của vùng.

Bà Shirley Chan, Phó Chủ tịch thứ nhất, Hiệp hội Các nhà sản xuất Trung Quốc của Hồng Kông, cho biết: "Hồng Kông là nơi có thể mang lại cho bạn rất nhiều cơ hội kinh doanh. Trước hết, Hồng Kông có chính sách thân thiện với doanh nghiệp theo định hướng thị trường tự do, là một "cửa phía Nam" vào đất liền Trung Quốc nên có ưu thế trong nắm bắt nhu cầu của thị trường đại lục. Hơn nữa, Hồng Kông còn đóng vai trò một trung tâm thương mại quốc tế quan trọng, có hơn 110 quốc gia đã thành lập cơ quan lãnh sự tại đây và hơn 3.750 công ty đa quốc gia thiết lập trụ sở khu vực hoặc văn phòng tại Hồng Kông. Việt Nam và Hồng Kông là bạn bè thân thiết và là các đối tác kinh doanh của nhau. Chúng tôi hy vọng rằng qua chuyến thăm lần này sẽ kết nối chúng ta đến gần hơn bao giờ hết. Chúng tôi tin rằng có tiềm năng rất lớn cho chúng ta để khai thác cơ hội kinh doanh và tăng cường quan hệ thương mại với nhau".

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ và ĐBSCL nói chung (như: Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ…) đã trực tiếp hoặc liên kết với các doanh nghiệp ở Hồng Kông để tiêu thụ các sản phẩm nông sản, nhất là mặt hàng gạo thơm. Qua đó, nhiều doanh nghiệp khẳng định, Hồng Kông là thị trường còn nhiều tiềm năng cho việc tiêu thụ các loại nông sản của vùng ĐBSCL, đặc biệt là các sản phẩm chất lượng cao, giúp mang lại giá trị gia tăng.

Theo ông Phạm Văn Công, Phó Tổng lãnh sự quán, Tham tán thương mại của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông và Makao, không chỉ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam mà hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đã có bước phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Trong 9 tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đã đạt 3,215 tỉ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2011.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết