Những năm gần đây, châu Á luôn là khu vực được các “ông lớn” trong ngành công nghiệp giải trí quan tâm bởi tốc độ tăng trưởng nhanh. Xu hướng thị trường giải trí châu Á luôn là nội dung mà các tập đoàn, công ty giải trí hàng đầu thảo luận, đặc biệt là tại hội nghị thường niên về chuyên ngành công nghiệp truyền thông, thông tin và giải trí khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) diễn ra gần đây.
Ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn ở các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi châu Á vẫn được đánh giá đầy tiềm năng với mức phát triển cao. Các giám đốc điều hành khu vực APAC của Netflix, Disney, Warner Bros. Discovery, Amazon, YouTube, Meta, TikTok và các công ty giải trí lớn trong khu vực, như Reliance Jio (Ấn Ðộ), U-Next (Nhật Bản), CJ ENM (Hàn Quốc) và SCMA (Indonesia), đã tề tụ về diễn đàn truyền thông và giải trí để chia sẻ những xu hướng tại APAC và vạch ra định hướng phát triển.
James Gibbons, Chủ tịch khu vực APAC của Warner Bros. Discovery, thông tin APAC là thị trường mà đơn vị đang có kế hoạch mở rộng. Theo đó, từ đây đến cuối năm, Max - nền tảng trực tuyến của họ sẽ ra mắt ở các quốc gia, vùng lãnh thổ tại APAC. Trong khi đó, Vivek Couto, đối tác quản lý của công ty tư vấn khu vực Media Partners Asia (MPA), phân tích rằng thị trường Bắc Á và Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand...) phát triển nhưng đang có dấu hiệu bão hòa. Các thị trường này những năm qua phát triển mạnh bởi sự lên ngôi của nội dung Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng vấn đề là chiến lược đang bắt chước phương Tây, dân số đang già hóa. Ngược lại, tại các thị trường đang phát triển trong khu vực như Ấn Ðộ, các quốc gia Ðông Nam Á thì có dân số trẻ, tiềm năng tăng trưởng tốt nên việc mở rộng thị phần ở khu vực này có tính ổn định cao.
Vivek Couto cũng chỉ ra rằng nội dung địa phương vẫn là “vua” ở châu Á. Cụ thể, phim truyền hình và chương trình thực tế Hàn Quốc, Trung Quốc, phim hoạt hình Nhật Bản vẫn đang là những nội dung chính được yêu thích ở khu vực. Trong khi đó tại Ấn Ðộ, quyền thể thao, đặc biệt là chương trình phát sóng trực tiếp, đóng vai trò to lớn. Do đó, nhiều nền tảng video địa phương của châu Á có được thị phần đáng kể nhờ vào các kênh nội dung phù hợp với thị trường địa phương. Như thành công của Netflix với các nội dung Hàn Quốc “Squid Game”, “The Glory”, hay Disney với nội dung Nhật “Shogun” (ảnh)…
Theo dự báo của MPA, 4 nền tảng video trực tuyến hàng đầu của Mỹ là Amazon, Meta, Netflix và YouTube sẽ mang về khoảng 21,6 tỉ USD doanh thu liên quan đến video tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024. Trong khi đó, 8 nền tảng hàng đầu khu vực là Disney/Viacom18, CJ ENM, U-Next, PCCW, Foxtel, NC, Asto và SCMA mang về doanh thu ước 9,6 tỉ USD trong năm nay.
Nhìn chung, thị trường tại khu vực APAC vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Ðiều này khiến các tập đoàn, công ty giải trí có những chiến lược kinh doanh đa dạng hướng đến các đối tác khác nhau của mỗi thị trường. Netflix hướng trực tiếp đến người tiêu dùng khi sẵn sàng bỏ vốn đầu lớn để phát triển nội dung địa phương. Netflix đã đầu tư 2,5 tỉ USD để phát triển nội dung Hàn Quốc trong vòng 4 năm 2024-2027. Trong khi đó, Disney lại đi theo mô hình D2C, làm sản phẩm bán trực tiếp cho từng thị trường. Còn Warner Bros. Discovery hướng đến sự cân bằng ở nhiều thị trường khác nhau, kết hợp quan hệ hợp tác với dịch vụ phát trực tuyến địa phương.
BẢO LAM
(Tổng hợp từ Hollywoodreporter, Variety)