13/01/2008 - 21:25

Thị trường chứng khoán phục hồi vất vả

So với tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2006, thị trường năm 2007 có diễn biến thất thường. Và những phiên giao dịch sụt giảm mạnh trên thị trường vào đầu năm 2008 đã phản ánh tâm lý của nhà đầu tư trước những tác động như: hàng loạt mã chứng khoán hấp dẫn tham gia niêm yết thị trường, nhiều “đại gia” phát hành thêm cổ phiếu với số lượng lớn, Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán...

Ngập ngừng giao dịch

Trái ngược với nhiều thông tin dự báo khả quan, hứa hẹn sự bứt phá mới của TTCK năm 2008, ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên, chỉ số chứng khoán tại cả 2 sàn giao dịch Hà Nội và TPHCM đua nhau “trượt dốc”. Phiên giao dịch ngày 7-1-2008, sàn giao dịch chứng khoán TPHCM ghi nhận sự sụt giảm nặng nề của TTCK trong vòng 5 tháng qua khi chỉ số Vn-Index giảm trên 16 điểm, xuống còn ở mức 887,08 điểm. Trong các phiên giao dịch ngày 8 và 11-1-2008, VN-Index cố “gượng sức” bứt phá nhưng hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ đua nhau giảm giá nên chỉ số VN-Index vẫn dao động dưới ngưỡng 900 điểm.

TTCK trong nước có sự điều chỉnh sâu và kéo dài nhiều tháng qua làm cho không ít nhà đầu tư chấp nhận bán ra để chuyển hướng sang đầu tư ngắn hạn vào thị trường địa ốc hoặc vàng đang trong cơn “sốt” giá. Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán; TTCK khu vực và thế giới sụt giảm cũng tác động không nhỏ đến thị trường trong nước và tâm lý của các nhà đầu tư. Theo một số đại lý chứng khoán ở TP Cần Thơ, gần đây, nhiều nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi những chủ trương “cởi trói” đối với lĩnh vực cho vay chứng khoán và tín hiệu mới từ TTCK khu vực và trong nước, nên dè dặt khi mua vào.

TTCK suy thoái trong thời gian dài là do nhà đầu tư bị “bội thực” do hàng loạt doanh nghiệp đua nhau phát hành cổ phiếu tăng vốn và nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Các tổng công ty Nhà nước cũng chạy đua bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) nên đã thu hút một lượng vốn đầu tư khá lớn. Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu liên tục duy trì ở mức thấp đã khiến các mã đang niêm yết trên thị trường đồng loạt giảm giá.

Sau sự kiện IPO của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), làn sóng đầu tư lại đổ dồn về các ngân hàng quốc doanh chuẩn bị kế hoạch IPO. Dự kiến, đợt IPO của các ngân hàng như: Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB)... cũng sẽ diễn ra trong quý I hoặc quý II-2008 tới. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, dự kiến, tháng 3-2008, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) sẽ thực hiện IPO thông qua phương án phát hành thêm 25% cổ phiếu tăng vốn với mức giá khởi điểm đấu giá 100.000 đồng/cổ phần. Để “né” những đợt IPO của các “đại gia” và “cơn bão” giảm giá trên thị trường, nhiều đơn vị đã quyết định dời ngày thực hiện IPO so với dự kiến.

Mã chứng khoán ĐBSCL vẫn hấp dẫn

Tác động của TTCK trong nước, các mã chứng khoán của các công ty cổ phần khu vực ĐBSCL cũng có nhiều phiên giao dịch biến động và giảm về khối lượng, giá trị giao dịch. Tuy nhiên, phần lớn các mã cổ phiếu này vẫn có chiều hướng tăng giá trước “cơn bão” của TTCK. Nếu như 4-5 tháng trước, một số mã chứng khoán thuộc ngành chế biến thủy, hải sản thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư thì nay dần chuyển sang các mã cổ phiếu thuộc ngành dược phẩm, y tế, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp... Điều này cho thấy, xu hướng của nhà đầu tư đã tập trung vào những mã có tiềm năng tăng trưởng và phát triển mạnh.

Nhà đầu tư chờ khớp lệnh tại đại lý nhận lệnh chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Thành, một khách hàng đang giao dịch tại đại lý nhận lệnh chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Nhiều ngày qua, tôi theo dõi khá sát diễn biến giao dịch của mã chứng khoán TSC và có niềm tin vào sự ổn định theo xu hướng tăng dần. Mặc dù phiên giao dịch ngày 11-1-2008, TSC giảm nhẹ 1.500 đồng/cổ phiếu nhưng là một trong những cổ phiếu thu hút được khối lượng lớn nhà đầu tư giao dịch chuyển nhượng. Nếu trong một vài phiên tới, giá bán còn biến động theo chiều hướng giảm thì tôi sẽ quyết định đặt lệnh vì đây là thời điểm giá thích hợp để mua vào”.

Cuối tháng 12 vừa qua, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã ABT) chính thức tuyên bố phát hành thêm tổng khối lượng 1,8 triệu cổ phiếu ra thị trường. Trong đó, 630.000 cổ phiếu dành cho các cổ đông hiện hữu, 170.000 cổ phiếu chào bán cho cán bộ chủ chốt của công ty với giá bán dự kiến lần lượt ở mức 45.000 đồng/cổ phiếu và 65.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, sẽ có 1 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư lớn được tính theo mức giá thị trường tại thời điểm chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm chiết khấu 20%. Thời gian chuyển nhượng quyền mua cổ phần dự kiến diễn ra từ ngày 24-1-2008. Mục đích của đợt huy động vốn lần này là thực hiện các dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến 90 tỉ đồng như: dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản An Phát, xây dựng khu nuôi cá tra Tiên Thủy và tăng lượng vốn lưu động để đáp ứng yêu cầu kinh doanh.

Ngày 31-12-2007, Công ty Cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (mã MPC) cũng đã chính thức công bố phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2007 với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu của MPC được phát hành thông qua 2 đại lý bảo lãnh phát hành trái phiếu là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB-Bank) và Công ty Cổ phần chứng khoán Âu Việt. Ước tính, tổng giá trị bảo lãnh phát hành trái phiếu của MPC trong đợt này khoảng 500 tỉ đồng, nhằm tạo ra nguồn vốn ổn định dài hạn đáp ứng nhu cầu phát triển các dự án sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và cơ cấu nợ.

Mặc dù thị trường đang bị điều chỉnh giảm sâu nhưng các mã chứng khoán của khu vực vẫn tăng giá so với 1 tháng trước đây (phiên giao dịch ngày 7-12-2007). Trong 1-2 phiên giao dịch gần đây, giá trị của mã cổ phiếu ngành dược DHG của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đã tăng thêm khoảng 44.000 đồng/cổ phiếu, kế tiếp là mã IMP của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm với mức tăng khoảng 32.000 đồng/cổ phiếu. Mã TSC của Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ cũng tăng giá trị khoảng 14.500 đồng/cổ phiếu. AGF của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Thủy sản An Giang tăng 13.000 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại như: ABT, DMC, FMC, HT1... tăng từ 2.000-9.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng chuyển nhượng được các nhà đầu tư tập trung mạnh nhất trong nhiều phiên giao dịch là các mã: DMC, HT1, LAF, MPC... với khối lượng của từng mã chứng khoán dao động từ 2.464-7.320/cổ phiếu.

Bài, ảnh: Triều Dâng

Chia sẻ bài viết