07/03/2011 - 20:53

TRƯỚC THỀM THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG NĂM 2011

Thí sinh cần chuẩn bị những gì ?

Nhiều học sinh tìm hiểu thông tin về các ngành nghề tại Ngày hội Tư vấn - Hướng nghiệp diễn ra ở Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: L.G

Từ ngày 14-3, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011. Nhằm giúp thí sinh lựa chọn ngành, nghề phù hợp, cũng như có sự chuẩn bị tâm lý, sức khỏe... trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này, Báo Cần Thơ xin giới thiệu một số kinh nghiệm của các nhà quản lý giáo dục, cán bộ phụ trách tuyển sinh ở một số trường đại học, cao đẳng, chuyên gia tâm lý, bác sĩ...

* Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ: Nên chọn ngành theo nhu cầu xã hội

- Những năm gần đây, việc thí sinh chọn ngành để thi vào các trường đại học, cao đẳng nói chung và Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật (CĐ KT-KT) Cần Thơ nói riêng, có xu hướng tăng đối với khối ngành kinh tế. Điều này dẫn đến tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi khối ngành kỹ thuật của trường chiếm không cao, và đương nhiên là tỷ lệ trúng tuyển cao (do tỷ lệ chọi thấp). Trong khi đó, số thí sinh dự thi vào khối ngành kinh tế có tỷ lệ trúng tuyển không cao (do tỷ lệ chọi cao).

Sau khi tốt nghiệp THPT, phần lớn học sinh đều muốn vào học đại học và đây là ước mơ chính đáng. Tuy nhiên, nếu không đánh giá đúng năng lực học tập, không chọn đúng trường học, bậc học, ngành nghề dự thi mà chọn theo cảm tính, theo nhóm bạn bè thì cơ hội học đại học của thí sinh sẽ khó thực hiện được, cả cơ hội vào cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cũng có thể bị vuột mất. Theo kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm của trường, nếu thí sinh có điểm thi từ bằng đến trên sàn cao đẳng và có đăng ký nguyện vọng 1 vào trường thì cơ hội trúng tuyển gần 100%. Nếu chậm chân, thí sinh không đăng ký nguyện vọng 1, đến khi nộp nguyện vọng 2, 3 thì điểm chuẩn trúng tuyển ở các ngành sẽ còn cao hơn điểm trúng tuyển của nguyện vọng 1 (có những ngành cao hơn cả điểm chuẩn nguyện vọng 1 của một số trường đại học).

Một vấn đề quan trọng là các thí sinh cần quan tâm đến nhu cầu nguồn nhân lực ở khối ngành kỹ thuật đang tăng dần. Những ngành mà học sinh, sinh viên của Trường CĐ KT- KT Cần Thơ tìm được việc làm nhanh như: Chế biến thủy sản, Nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ thực vật, quản lý đất đai...

* Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ: Cân nhắc kỹ để chọn ngành, nghề phù hợp

- Điểm mới năm nay, tất cả thí sinh sẽ nộp hồ sơ từ ngày 14-3 đến 14-4-2011 tại trường THPT đang học hoặc tại các Sở Giáo dục - Đào tạo. Nộp hồ sơ trực tiếp tại trường dự thi từ ngày 15-4 đến 21-4-2011. Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh cần lưu ý khi điền thông tin ở mục 2 và mục 3:

+ Nếu thí sinh có nguyện vọng học tại trường đăng ký dự thi thì ở mục 2, cần chú ý ghi đầy đủ tên trường và ký hiệu trường đăng ký dự thi, khối thi và mã ngành. Mục 3 không ghi gì cả.

+ Nếu thí sinh có nguyện vọng học ở trường khác (trường đó không tổ chức thi) thì ở mục 2 điền tên trường, ký hiệu trường đăng ký dự thi và khối thi (không điền mã ngành) và phải tiếp tục điền đầy đủ thông tin vào mục 3, bao gồm tên trường, ký hiệu trường mà mình có nguyện vọng theo học, khối thi và mã ngành (khối thi ở mục 3 và 2 phải giống nhau). Mục 3 này không phải là mục ghi nguyện vọng 2.

- Ghi chính xác thông tin đối tượng ưu tiên ở mục 8 và mục 9 (hộ khẩu), mục 10 (nơi học THPT hoặc tương đương), mục 11 (khu vực có liên quan đến xác định ưu tiên khu vực). Có trường hợp thí sinh ghi nhầm lẫn đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên nên sau khi trúng tuyển, nhà trường kiểm tra lại không đúng và bị buộc thôi học.

- Với những thí sinh ở 9 tỉnh Nam sông Tiền có nguyện vọng thi vào các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh (trừ các ngành năng khiếu), mục 14 ghi “C” tức là thi tại cụm thi Cần Thơ. Để chọn ngành phù hợp, thí sinh cần nghiên cứu kỹ, sau khi tốt nghiệp THPT thì tiếp tục học đại học, cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp để có một nghề nuôi sống bản thân, gia đình... Thí sinh cần tham khảo thêm thông tin trên cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011”, thông tin các ngành nghề tuyển sinh 2011 trên website của các trường đại học, cao đẳng,... Trong quá trình tìm hiểu thông tin các trường, thí sinh nên cân nhắc kỹ, tại địa phương hoặc khu vực có trường đại học mở ngành học mà mình dự định chọn. Sau đó hãy tìm hiểu thêm các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Từ đó cân nhắc điều kiện kinh tế, năng lực bản thân... để có sự lựa chọn phù hợp nhất. Ngoài ra, khi chọn ngành, nghề thí sinh, phụ huynh có tâm lý xem những ngành có tỷ lệ chọi thấp hoặc điểm chuẩn thấp để nộp hồ sơ. Nhưng tỷ lệ chọi ở các ngành, thí sinh, phụ huynh chỉ nên tham khảo, bởi có những ngành tỷ lệ chọi thấp nhưng điểm chuẩn rất cao.

* Tiến sĩ Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh- Trưởng khoa Dinh dưỡng Cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh: Phải biết “thương thân” mới đủ sức vượt qua kỳ thi

Thực tế, không ít học sinh trong quá trình ôn thi đã rất “bạc đãi” bản thân. Nào là lấy dây cột lên tóc để khi ngủ gật, dây giật tóc làm tỉnh ngủ; nào là uống trà quạu, cà phê đậm đặc để không buồn ngủ... Nhìn chung, ai chỉ cách gì để ít ngủ là các em thực hiện hết. Thế nhưng, đó không phải là những cách học bài dễ nhớ, mau thuộc mà các em mong muốn. Trong khi đó, những việc cần làm để tái tạo sức khỏe, tinh thần thoải mái lại ít thấy các em thực hiện, như: ăn nhiều món ngon, chơi thể thao, giải trí lành mạnh... Nói về việc ăn uống, nhiều em trong suốt thời gian ôn thi đến khi thi không dám ăn những món ăn mà các em nghĩ là “dễ rớt”, như: chuối (vì sợ trượt vỏ chuối); các loại bí (vì sợ bí đường làm bài); các loại trứng (vì sợ điểm 0)... Ngược lại các em lại tập trung ăn thật nhiều đậu để dễ đậu, ăn thật nhiều óc heo để bổ óc... Thực tế, mỗi món ăn có một thành phần dinh dưỡng nhất định, cơ thể chúng ta cần những thành phần dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, ăn quá nhiều một món dù rất bổ chưa hẳn đã tốt.

Ngủ bao lâu để có đủ sức khỏe cũng là câu hỏi mà nhiều em băn khoăn. Thực tế một giấc ngủ chập chờn nhiều giờ không bằng một giấc ngủ thật sâu. Chính giấc ngủ sâu sẽ tái tạo năng lượng cho cơ thể. Tùy cơ địa của mỗi người mà cần một thời gian ngủ khác nhau. Nhưng thông thường ngủ sâu đủ giấc từ 6-8 tiếng mỗi ngày là được. Đặc biệt, trong những lúc học căng thẳng, các em cần tạo cho mình một thói quen nghỉ giải lao bằng cách buông lỏng cơ thể trong vòng 10 phút. Tuy thời gian nghỉ không nhiều nhưng sẽ giúp cơ thể cân bằng lại và tỉnh táo hơn khi tiếp tục việc học sau đó.

Việc lựa chọn thức ăn trong khi học và thi thì tùy cơ địa của mỗi người mà dung nạp một lượng thức ăn phù hợp vì mỗi loại thức ăn đều cung cấp một lượng dinh dưỡng nhất định. Tuy nhiên, trong những ngày thi, các em không nên ăn những thức ăn để nguội quá lâu, rau ở hàng quán... vì thức ăn để lâu dễ ôi thiu, rau rửa không sạch dễ làm các em bị rối loạn tiêu hóa...

* Tiến sĩ Đinh Phương Duy- Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục TP Hồ Chí Minh: Tham khảo nhiều kênh thông tin trước khi chọn ngành

Chọn ngành thích hợp với bản thân là một trong những tiêu chí quan trọng bởi có yêu thích ngành nghề thì các em mới học tốt và làm việc hiệu quả sau khi ra trường. Nhiều em không có định hướng ngay từ đầu nên băn khoăn khi chọn ngành đăng ký dự thi (ĐKDT) là điều đương nhiên. Tuy nhiên trong quá trình chọn ngành nghề dự thi, các em không nên chỉ chọn theo cảm tính. Chọn ngành mình thích thôi chưa đủ mà cần tính đến năng lực của bản thân. Các em học loại trung bình khá, nếu chọn thi các ngành điểm “top” như Y hoặc Dược thì rất khó đậu. Ngoài ra, khi chọn ngành các em còn phải chú ý đến kinh tế gia đình mình, có đủ năng lực để nuôi mình suốt các năm đại học không... Nhiều thí sinh thấy thích đi đây đi đó nên chọn ngành du lịch dù ngoại ngữ các em không tốt. Em khác lại thấy thích địa chất dù sức khỏe rất yếu... Một tình trạng thường thấy trong các đợt tuyển sinh là các em hay chọn nghề theo phong trào. Thấy bạn mình chọn du lịch, tiếp viên hàng không, địa chất... mình cũng chọn, mà không tính đến khả năng học ngoại ngữ, về hình thể, sức khỏe bản thân.

Chuyện chọn ngành, nghề rất quan trọng. Vì vậy, các em cần tham khảo, tìm hiểu thêm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các ngành nghề mình “để ý” về chương trình học, khả năng tìm việc sau khi tốt nghiệp...; tham khảo ý kiến giáo viên xem khả năng mình có thể thi đậu vào các ngành đó không. Đặc biệt là sự khẳng định của phụ huynh về tiềm lực kinh tế gia đình... Tuy nhiên, có nhiều con đường để đi đến đích mà không phải chỉ bằng cách duy nhất là đậu đại học. Nếu các em không đủ sức vượt qua kỳ thi đại học, các em cũng có thể vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng rồi sau đó học liên thông lên đại học.

NGỌC GIANG

Chia sẻ bài viết