30/05/2022 - 23:44

Thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược của Mỹ 

Hôm 26-5, trong một tuyên bố về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Ðại học George Washington, Ngoại trưởng Antony Blinken đã làm nhẹ đi phát biểu mạnh mẽ trước đó của Tổng thống Joe Biden rằng Washington sẽ bảo vệ Ðài Loan về mặt quân sự trong trường hợp Bắc Kinh phát động cuộc tấn công nhằm vào Ðài Bắc.

Ngoại trưởng Blinken thừa nhận rằng Washington còn hạn chế trong việc đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh nên Mỹ sẽ tìm cách “định hình môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc để thúc đẩy tầm nhìn về một hệ thống quốc tế rộng mở và bao trùm”. Phát biểu mềm mỏng của ông Blinken gây sự chú ý của dư luận quốc tế, bởi giới phân tích chính sách đối ngoại và các nhà báo muốn biết liệu ông Blinken có làm rõ tuyên bố của Tổng thống Biden về việc Mỹ sẽ hành động quân sự để bảo vệ Ðài Loan hay không nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công vào hòn đảo này.

Binh sĩ lực lượng đặc nhiệm Đài Loan trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Nhật Bản hôm 23-5, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Ðài Loan về mặt quân sự trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Ðiều này dường như là sự chuyển hướng khỏi chính sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ đối với Ðài Loan. Theo chính sách này, Mỹ cam kết giúp xây dựng năng lực tự vệ cho Ðài Loan nhưng không hứa hẹn bảo vệ hòn đảo này bằng biện pháp quân sự. Tuyên bố mới của Tổng thống Biden khiến một số nhà bình luận cho rằng chính sách của Mỹ dường như đã chuyển từ “mơ hồ chiến lược” sang “rời rạc chiến lược”.

Tuyên bố cứng rắn của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Cuộc chiến này đã làm dấy lên lo ngại về những rủi ro an ninh ở khu vực Ðông Á. Tương tự như Nga coi Ukraine là một phần lãnh thổ không thể có quyền độc lập riêng, Trung Quốc coi Ðài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình. Hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin làm dấy lên lo ngại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể nghiêm túc xem xét phát động “chiến dịch quân sự” tương tự tại Ðài Loan.

Thế nhưng, Washington hiện đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược. Giới phân tích lo ngại rằng chính sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ có thể không đủ để ngăn Trung Quốc tấn công Ðài Loan, đặc biệt là khi Bắc Kinh ngày càng quyết đoán trong việc “giải quyết” vấn đề Ðài Loan. Ðiều này có thể ngụ ý rằng Mỹ cần phải làm rõ và củng cố các cam kết an ninh của nước này nhưng cũng chính điều đó sẽ đòi hỏi các bước cụ thể hơn để chứng minh rằng Mỹ có thể bảo vệ Ðài Loan một cách hiệu quả.

Song, việc Trung Quốc tăng cường xây dựng năng lực quân sự đã khiến cho vấn đề nói trên trở nên khó khăn hơn nhiều so với 30 năm trước, trong bối cảnh Mỹ chỉ có 2 căn cứ quân sự trong bán kính 500 dặm từ Ðài Loan có thể cho phép chiến đấu cơ hoạt động mà không cần tiếp nhiên liệu. Ðáng lo ngại, cả 2 căn cứ này đều dễ bị kho vũ khí ngày càng tinh vi, gồm nhiều tên lửa đạn đạo, của Trung Quốc tấn công. Do đó, Mỹ có thể hoạt động từ các hàng không mẫu hạm nhưng loại khí tài quân sự này cũng ngày càng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công từ lục địa Trung Quốc.

Mặt khác, nếu Trung Quốc phát động cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Ðài Loan, Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Về nguyên tắc, Mỹ có thể triển khai các nguồn lực quân sự trên quy mô lớn hơn, thậm chí là trên lãnh thổ Ðài Loan. Nhưng việc Mỹ triển khai quân tới Ðài Loan sẽ làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc ở mức độ chưa từng thấy và cũng sẽ làm phức tạp thêm quan hệ Mỹ - Trung, vốn có thể giúp hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, vấn đề Triều Tiên và khủng hoảng chính trị ở các khu vực khác.

Do đó, phát biểu của Ngoại trưởng Blinken cho thấy “mơ hồ chiến lược” có thể vẫn sẽ là chính sách của Mỹ đối với an ninh của Ðài Loan trong tương lai gần, ngay cả khi Washington cảm thấy cần phải nêu rõ con đường lựa chọn của mình trong việc bảo vệ Ðài Bắc nếu bị Bắc Kinh tấn công.

Hãng tin Reuters cho biết các đảo quốc Thái Bình Dương đã từ chối ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh sâu rộng với Trung Quốc trong cuộc họp trực tuyến cấp ngoại trưởng tại Fiji giữa hai bên ngày 30-5. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết hai bên đã thống nhất 5 lĩnh vực hợp tác như phục hồi kinh tế sau đại dịch, thành lập các trung tâm mới về nông nghiệp và phòng chống thiên tai, trong khi các vấn đề an ninh cần được thảo luận thêm để tạo sự đồng thuận lớn hơn. Ông Vương kêu gọi các nước “đừng quá lo lắng” về mục đích của Bắc Kinh tại khu vực. Ông tuyên bố Trung Quốc muốn hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương mà “không có ràng buộc chính trị”. 

TRÍ VĂN (Theo Asia Times)

Chia sẻ bài viết