|
Hai ông Karzai (phải) và Gates gặp nhau tại Kabul ngày 2-9. Ảnh: AP |
Tướng David Petraeus, Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan, hồi tuần rồi đã phải thừa nhận tàn quân Taliban đang mở rộng hoạt động khắp quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, ông cũng chống chế rằng các vụ tấn công nhằm vào binh sĩ liên quân tăng đột biến thời gian gần đây chứng tỏ Taliban đang cảm thấy bị đe dọa (!?).
Cùng lúc với phát biểu trên của ông Petraeus, hãng tin Pháp AFP đã công bố số liệu về thương vong của binh sĩ nước ngoài nói chung, lính Mỹ nói riêng, tại chiến trường này. Theo AFP, trong 8 tháng đầu năm nay có 490 binh sĩ ngoại quốc thiệt mạng ở Afghanistan, xấp xỉ con số 521 của cả năm ngoái - năm chết chóc nhất đối với họ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến gần một thập niên trước. Trong đó, số lính Mỹ tử trận là 323 người, nhiều hơn con số 317 người của cả năm ngoái. Hiện Mỹ và NATO triển khai khoảng 150.000 binh sĩ tại đây.
Quan hệ giữa Kabul và Washington những năm qua trầm nhiều hơn thăng và điều đó gây không ít khó khăn cho cuộc chiến chống Taliban. Tổng thống Hamid Karzai thường xuyên chỉ trích việc liên quân không kích làm nhiều dân thường thương vong, và cho rằng Mỹ gây sức ép chưa đủ mạnh để buộc Pakistan trấn áp Taliban ở khu vực biên giới với Afghanistan. Ông cũng yêu cầu liên quân thay đổi chiến lược chống Taliban. Trong khi đó, Washington cáo buộc chính quyền ông Karzai để xảy ra tham nhũng tràn lan.
Giới chức Mỹ tin rằng các chiến dịch quân sự truy quét Taliban không thể thành công nếu Kabul không quyết tâm chống tham nhũng để lấy lại lòng tin của dân chúng. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Afghanistan chỉ xếp sau Somalie về mức độ tham nhũng. Hôm 2-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã bất ngờ đến Afghanistan. Một tuần trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry, rồi thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện Rick Larsen cũng đã có mặt tại đây. Tuy nhiên, cả ba đều không thuyết phục được Tổng thống Karzai để cho phương Tây có một vai trò lớn hơn trong nỗ lực chống tham nhũng, bất chấp lời đe dọa rằng Washington sẽ rút lại sự ủng hộ đối với ông này. Gần đây, ông Karzai tăng cường kiểm soát hai cơ quan chống tham nhũng do Mỹ và Anh hậu thuẫn là Lực lượng đặc nhiệm trọng án và Đội điều tra đặc biệt. Hồi tháng 7, ông đã ra lệnh phóng thích Mohammad Zia Salehi, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia và là nhân vật thân tín của mình, chỉ sau 7 giờ bị hai cơ quan trên phối hợp bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ. Phó Tổng chưởng lý Fazel Ahmed Faqiryar hồi tuần rồi nói rằng ông bị buộc phải nghỉ hưu vì quyết liệt trong các vụ án tham nhũng có liên quan đến những quan chức cấp cao, trong đó có vụ bắt giữ ông Salehi.
Nhưng Mỹ cũng hiểu rằng nếu chống tham nhũng một cách triệt để sẽ đẩy Afghanistan vào tình trạng rối loạn và tạo ra khoảng trống quyền lực mà Taliban có thể lợi dụng. Bởi vì rất nhiều quan chức Afghanistan, nhất là ở cấp địa phương, có dính líu tới tệ nạn này. Do vậy, theo tiết lộ hôm 3-9 của tờ Washington Post (Mỹ), Lầu Năm Góc đang cân nhắc một chủ trương mới, theo đó chấp nhận tham nhũng ở mức độ hạn chế và chỉ tập trung “đánh” vào các vụ có qui mô lớn. Nhưng vấn đề là liệu họ có làm được điều đó hay không, khi mà - như lời ông Faqiryar - đang có chủ trương từ giới lãnh đạo chóp bu Afghanistan về việc cho “chìm xuồng” không ít vụ tham nhũng liên quan tới các tỉnh trưởng và cựu bộ trưởng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt mục tiêu sẽ bắt đầu rút binh sĩ ở Afghanistan về nước từ tháng 7 năm tới. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay thì ngay cả Tướng Petraeus cũng thừa nhận không tin lắm vào khả năng này.
LÊ DÂN
Tổng thống Karzai ngày 4-9 thông báo vừa thành lập Hội đồng Hòa bình Cấp cao, một động thái quan trọng nhằm mở ra các cuộc đối thoại với Taliban trong nỗ lực chấm dứt nội chiến.
Tuy nhiên, Taliban đã nhiều lần bác bỏ đề nghị đàm phán hòa bình của Chính phủ Afghanistan và tuyên bố sẽ chỉ đàm phán khi nào toàn bộ lực lượng nước ngoài rút khỏi đây.
(TTXVN) |