21/06/2022 - 20:46

Thế giới nói không với đồ nhựa dùng một lần 

HẠNH NGUYÊN (Theo Al Jazeera, Guardian)

Chính phủ Canada thông báo bắt đầu từ tháng 12-2022, nước này sẽ cấm sản xuất và nhập khẩu 6 loại đồ nhựa dùng một lần phổ biến hiện nay.

Biểu tình kêu gọi cấm đồ nhựa dùng một lần ở Canada. Ảnh: greenpeace

Những quy định mới, được công bố ngày 20-6, sẽ áp dụng đối với túi nhựa, đồ dùng để ăn uống, đũa, ống hút, vòng nhựa đựng lon và hộp đựng thức ăn. Phải tới tháng 12-2023, việc kinh doanh những vật dụng này mới bị cấm để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuyển đổi và loại bỏ nguồn hàng hiện có. Ðến cuối năm 2025, Chính phủ Canada sẽ cấm xuất khẩu các loại đồ nhựa trên.

Xu hướng lớn mạnh

Ngày 20-6, Phó Thủ tướng Nga Viktoria Abramchenko cho hay bắt đầu từ năm 2025, nước này sẽ loại bỏ dần các sản phẩm và bao bì nhựa sử dụng một lần. Quá trình loại bỏ sẽ diễn ra một cách tuần tự theo nhiều giai đoạn. “Các loại bao bì không thể tái chế, khó phân hủy như ống hút nhựa, các loại hàng hóa, bao bì khác cần phải được loại bỏ dần và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Dự thảo luật về tiêu chuẩn cơ bản đã có hiệu lực, vốn là chủ đề của một cuộc thảo luận sôi nổi, theo đó quy định tiêu chuẩn tái chế 100% bao bì được áp dụng từ năm 2025”, bà Abramchenko phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St-Peterburg.

Ở Ấn Ðộ, lệnh cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Việc sản xuất, nhập khẩu, dự trữ, phân phối và bán đồ nhựa dùng một lần cũng bị cấm. Ðồ nhựa dùng một lần trong diện cấm gồm que kem, kẹo, bong bóng, đĩa, ly, muỗng, nĩa... Với việc mỗi năm trong nước sản xuất 11,8 triệu tấn nhựa và nhập khẩu 2,9 triệu tấn nhựa, lượng rác thải nhựa dùng một lần của Ấn Ðộ là 5,6 triệu tấn, tức trung bình mỗi người xả 4kg rác.

Cũng trong xu hướng cấm sử dụng nhựa, Bộ Nội vụ Mỹ gần đây thông báo sẽ cấm bán chai nước nhựa và các sản phẩm dùng một lần khác tại các công viên quốc gia, những điểm công cộng của nước này trong thập kỷ tới. Sắc lệnh do Bộ trưởng Deb Haaland ban hành nhằm kêu gọi giảm mua bán và phân phối các sản phẩm và bao bì nhựa dùng một lần, với mục tiêu loại bỏ dần các sản phẩm từ nhựa vào năm 2032. Ngoài ra, các lựa chọn thay thế cho nhựa sử dụng một lần, chẳng hạn như vật liệu có thể phân hủy, phân hủy sinh học hoặc 100% tái chế cũng được gợi ý đưa vào sản xuất nhiều hơn. Ðược biết, các khu đất do Bộ Nội vụ Mỹ quản lý đã thu gom gần 80.000 tấn chất thải rắn đô thị trong năm 2020, phần lớn trong số đó là nhựa.

Năm 2011, một số công viên quốc gia ở Mỹ từng ban hành lệnh cấm bán chai nước nhựa. Biện pháp này đã giúp loại bỏ tới 2 triệu chai nước mỗi năm trước khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đảo ngược lệnh cấm vào năm 2017. Mỹ là một trong những “thủ phạm” xả rác nhựa lớn nhất thế giới. Tỷ lệ tái chế nhựa ở nước này đã giảm xuống còn 5-6% năm 2021, giữa lúc một số quốc gia ngừng nhập khẩu rác của Mỹ và lượng rác thải chạm tới mức cao kỷ lục.

Báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc ước tính sử dụng nhựa sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2060. Lượng sản phẩm nhựa được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch hàng năm trên thế giới dự kiến sẽ đạt hơn 1,2 tỉ tấn trong vòng 4 thập niên tới và rác thải sẽ vượt mức 1 tỉ tấn/năm. Trong 70 năm qua, thế giới đã tạo ra khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa, với 60% trong số này được vứt vào bãi rác, đại dương, sông hoặc đốt bỏ.

Chia sẻ bài viết