26/08/2019 - 19:23

Thế giới nỗ lực cứu rừng Amazon 

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 25-8 đã ra lệnh điều động 43.000 binh sĩ tham gia đối phó tình trạng cháy rừng dữ dội ở Amazon. Nhiều máy bay quân sự Hercules C-130 cũng đã được triển khai dội nước xuống các đám cháy.

Máy bay quân sự Brazil tham gia chữa cháy. Ảnh: Reuters    

Động thái trên được Brazil đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang nhóm họp tại Pháp bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình cháy rừng Amazon. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 25-8 cho hay G7 sắp đạt được một thỏa thuận nhằm cung cấp “hỗ trợ tài chính và kỹ thuật” cho những quốc gia bị ảnh hưởng. Trước đó, nhà lãnh đạo xứ gà trống Gaulois hôm 24-8 tuyên bố tình hình cháy rừng Amazon là trường hợp khẩn cấp toàn cầu và xem đây là “nạn diệt chủng”, đồng thời chỉ trích Chính phủ Brazil đã không làm gì để bảo vệ rừng. Ông đã có cuộc thảo luận về vấn đề này với giới lãnh đạo G7 tại bữa ăn tối cùng ngày. Một quan chức Liên minh châu Âu giấu tên cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã thống nhất làm mọi cách có thể để dập tắt đám cháy, qua đó trao cho Tổng thống Macron nhiệm vụ liên hệ với tất cả các quốc gia trong khu vực để tìm ra phương án tốt nhất, Trước mắt, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết hỗ trợ 10 triệu bảng để phục hồi rừng Amazon. 

Amazon có diện tích 7 triệu km2 và trải dài trên lãnh thổ 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và vùng lãnh thổ Guiana của Pháp, trong đó 60% diện tích ở Brazil. Rừng cháy dữ dội ở đây khiến không chỉ dư luận trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế tỏ ra hết sức lo ngại bởi khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này được coi là “lá phổi xanh của hành tinh”, cung cấp khoảng 20% lượng oxy cho Trái Đất.

Theo Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), gần 80.000 đám cháy được xác nhận xảy ra khắp nước này tính đến ngày 24-8, mức cao nhất kể từ năm 2013. 8 trong số 9 tiểu bang Brazil tại khu vực rừng Amazon đều chứng kiến tình trạng cháy rừng ngày càng gia tăng, trong đó các đám cháy tại tiểu bang Amazonas tăng với mức kỷ lục 146%. Cư dân các tiểu bang Rondonia và Amazonas cho biết họ chưa từng chứng kiến đám cháy rừng nào khủng khiếp như vậy.

Từ ngày 23-8, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố quân đội sẽ được điều tới để tham gia chữa cháy rừng sau nhiều ngày nhận chỉ trích từ công chúng cũng như giới lãnh đạo thế giới rằng Chính phủ Brazil đã “khoanh tay” trước các đám cháy. Ông Bolsonaro ban đầu cho rằng các đám cháy tại Amazon là bình thường, thậm chí tố các tổ chức phi chính phủ tạo ra đám cháy để gây tổn hại cho chính phủ nhưng chính ông sau đó đã rút lại lời cáo buộc vô căn cứ này. Tổng thống Bolsonaro trong một tuyên bố cho biết Brazil không đủ nguồn lực để đối phó với các đám cháy tại một khu vực rộng lớn như Amazon nhưng lại cảnh báo các quốc gia khác không được can thiệp do lo ngại chủ quyền của Brazil sẽ bị phá hoại.

Đến nay, hàng nghìn người dân Brazil đã xuống đường phản đối sự “dửng dưng” của chính phủ tại nhiều thành phố, làm tắc nghẽn nhiều con đường lớn ở Brasilia và Sao Paulo. Các cuộc biểu tình cũng đã nổ ra bên ngoài đại sứ quán Brazil ở Pháp và Anh. Trong khi đó, các nhà khoa học lo ngại rằng việc Amazon tiếp tục bị phá hủy có thể biến rừng nhiệt đới này thành thảo nguyên khô cằn.

Chính phủ Bolivia thuê máy bay Boeing 747 Supertanker, loại máy bay chữa cháy lớn nhất của Mỹ, để tham gia các hoạt động dập lửa và Tổng thống Evo Morales đã tạm hoãn chiến dịch tranh cử để tập trung vào công tác chống cháy rừng. Trong khi đó, Chính phủ Paraguay cung cấp khoảng 10.000 lít nhiên liệu hỗ trợ nông dân ở miền Bắc đang sử dụng các phương tiện máy móc cá nhân để xây dựng một tường rào ngăn lửa dài khoảng 50km gần khu vực biên giới với Bolivia và Brazil.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
rừng Amazon