17/06/2019 - 15:49

Thế giới hối hả tìm cách bảo vệ môi trường 

Chung tay cứu lấy hành tinh đang trở thành một mệnh lệnh cuộc sống được ngày càng nhiều quốc gia hưởng ứng.

Nhiều quốc gia đang “tuyên chiến” với nạn lạm dụng túi nylon.

Nhiều quốc gia đang “tuyên chiến” với nạn lạm dụng túi nylon.

Nhật cấm các nhà bán lẻ cung cấp túi nylon miễn phí

Ngày 15-6, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết nước này có kế hoạch cấm các nhà bán lẻ cung cấp túi nylon miễn phí cho khách hàng từ đầu tháng 4-2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng G20 về chuyển đổi năng lượng và môi trường toàn cầu vì sự tăng trưởng bền vững, Bộ trưởng Seko nêu rõ vấn đề ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, cần có sự chung tay của cả khu vực công và tư để giải quyết. Ông khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ nhanh chóng đưa ra các quyết định về việc loại túi nhựa và nguyên liệu thô nào sẽ bị cấm. Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 25% lượng rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% các loại rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa sinh hoạt và rác thải nhựa công nghiệp.

Thêm một quốc gia Đông Nam Á trả lại rác thải nhập khẩu

Trao đổi với báo giới ngày 15-6, ông Sayid Muhadhar - một quan chức cấp cao Bộ Môi trường Indonesia, cho biết Indonesia vừa đưa 5 container rác thải trở lại Mỹ và tuyên bố sẽ không để nước này trở thành một “bãi rác”.

Trước Indonesia, quốc gia láng giềng Malaysia hồi tháng trước tuyên bố sẽ trả lại hàng trăm tấn rác thải nhựa được chuyển vào nước này. Chính phủ Philippines cũng đã ra lệnh đưa hàng tấn rác thải, được nhập khẩu vào nước này dưới “nhãn” nhựa để tái chế, trở lại Canada, đẩy mối quan hệ giữa hai nước vào tình trạng căng thẳng.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã nhận một lượng lớn rác thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2018, Bắc Kinh quyết định không nhận rác thải từ nước ngoài nhằm làm sạch môi trường. Do đó, một lượng lớn rác thải nhựa đã được đưa sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Philippines.

Châu Âu tìm giải pháp cho rác thải vi nhựa

Do lường được nguy cơ của rác thải nhựa cũng như các hạt vi nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người, Liên minh châu Âu (EU) vừa đề ra các giải pháp để hạn chế tác hại từ rác thải nhựa một cách tương đối toàn diện.        

Cụ thể, Nghị viện châu Âu khuyến nghị Ủy ban châu Âu thiết lập lệnh cấm ở quy mô toàn châu lục đối với tất cả các vi nhựa được sử dụng trong sản xuất các loại mỹ phẩm và các chất tẩy rửa từ nay tới năm 2020, đồng thời phải có các biện pháp nhằm giảm thiểu việc thải vi nhựa từ vải, lốp xe, sơn và đầu lọc thuốc lá.

Canada đề xuất tăng gấp đôi thuế carbon

Từ tháng 4 vừa qua, Chính phủ Canada đã bắt đầu áp mức thuế carbon khởi điểm là 20 CAD (15 USD)/tấn tại 4 tỉnh không có biện pháp giảm khí thải gồm Ontario, Manitoba, New Brunswick và Saskatchewan. Dự kiến, mức thuế này sẽ tăng lên 50 CAD trong những năm tới. Trong khi đó, 6 tỉnh khác trước mắt được miễn thuế carbon do đã tự đề ra chính sách thuế carbon hoặc hệ thống mua bán carbon giúp chính phủ liên bang đạt mục tiêu của Hiệp định Paris.  

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Canada cần đạt mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% lượng khí thải so với mức của năm 2005. Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho rằng với những chính sách và biện pháp như hiện nay, Canada sẽ không đạt được mục tiêu giảm khí thải nói trên nên đề xuất tăng thuế carbon lên mức 52 CAD/tấn vào năm 2030.

Nhiều người chết ngạt khi làm vệ sinh bể chứa rác thải tại Ấn Độ

Ngày 15-6, cảnh sát Ấn Độ cho biết 7 người đã bị chết ngạt khi làm vệ sinh bể chứa rác thải của một khách sạn miền Tây nước này.

Ở Ấn Độ, có hàng trăm nghìn người lao động trình độ thấp sẵn sàng làm những công việc lao động chân tay như dọn vệ sinh các hệ thống đường ống ngầm và bể chứa rác thải mà không có thiết bị bảo hộ lao động. Tuy không có số liệu chính thức, nhưng các cuộc khảo sát độc lập cho thấy mỗi năm tại Ấn Độ có khoảng 1.370 người tử vong vì những công việc độc hại kiểu này.
Chia sẻ bài viết