06/04/2018 - 22:21

Thế giới đối mặt cuộc chạy đua vũ trang mới 

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cách đây ba thập kỷ, quân đội Mỹ luôn là lực lượng đứng đầu về tên lửa và công nghệ cho phép tấn công bất cứ nơi nào trên Trái đất. Nhưng gần đây, Washington phải đối mặt với một thế giới mà những kẻ thù tiềm tàng nhất đầu tư mạnh vào vũ khí tầm xa.

Tên lửa đạn đạo Sarmat của Nga có khả năng vươn tới bất kỳ đâu trên Trái đất. Ảnh: Daily Mirror

Tuy ồn ào gần đây nhưng Triều Tiên được đánh giá chỉ mới bắt kịp công nghệ mà các cường quốc hạt nhân đạt được từ những năm 1950 và 1960. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đều đang hướng đến một thế hệ vũ khí mới, tập trung vào các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm và đất liền. Các loại vũ khí mới cũng bao gồm các loại tên lửa nhẹ hoặc có khả năng tàng hình để tấn công máy bay, tàu chiến và nhất là các tàu sân bay Mỹ, vốn được xem là biểu tượng sức mạnh của xứ cờ hoa.

Năng lực thực tế của những vũ khí trên chưa thể xác định, dù sự tồn tại của chúng có thể đủ ngăn chặn kẻ thù tiến hành chiến tranh hoặc can thiệp vào các cuộc xung đột nhỏ hơn. Nhưng ngay cả khi chúng đáp ứng kỳ vọng, Nga và Trung Quốc vẫn còn kém xa Mỹ, đến nay vẫn là nước chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới. Hơn nữa, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh thập niên qua tuy đặc biệt quan tâm đến tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, đầu tư vào tàu chiến, căn cứ quân sự và tên lửa mới, song vẫn không tương xứng với quy mô, tầm vóc và khả năng chiến đấu của hạm đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớn hơn của Hải quân Mỹ, cũng như máy bay ném bom tàng hình B-2 Mỹ có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên thế giới mà không bị phát hiện.

Nhưng sự cân bằng sức mạnh đang dịch chuyển. Các nhà hoạch định quân sự ở Nga và Trung Quốc xem công nghệ tên lửa tiên tiến là giải pháp để vượt qua Mỹ và một số tên lửa của họ hiện có thể đe dọa nghiêm trọng tới quân đội Mỹ nếu xảy ra xung đột. Điển hình hôm 30-3, Nga đã phóng thành công tên lửa đạn đạo lớn nhất trong lịch sử mang tên Sarmat, mà giới phân tích quốc phòng phương Tây gọi là Satan 2. Mát-xcơ-va cho biết Sarmat, nặng khoảng 200 tấn, là tên lửa đầu tiên có khả năng vươn tới bất kỳ đâu trên Trái đất từ ​​một điểm phóng và dự kiến ​​sẽ thay thế thế hệ tên lửa cũ của Nga sau năm 2020. Mới đây vào ngày 2-4, Nga lại tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo A-135, hiện được triển khai khắp Thủ đô Mát-xcơ-va. Các hệ thống này – được xem là đối trọng với hệ thống của Mỹ triển khai tại châu Âu và châu Á – cùng các loại vũ khí tương tự của Trung Quốc có thể phá hỏng các vệ tinh mà phương Tây dựa vào để chiến đấu. Giới chức quân sự Nga thậm chí tuyên bố tên lửa hành trình chống hạm mới của họ - Zircon - có khả năng phóng đi với vận tốc hơn 4.000 dặm (6.400km)/giờ, gấp 6 lần tốc độ âm thanh. Nếu đúng vậy, Zircon sẽ vượt qua bất cứ thứ gì trong kho vũ khí của Mỹ, và hầu như không thể đánh chặn được.

Nhìn chung, cả Nga và Trung Quốc đều tăng cường đầu tư vào các tên lửa phòng không với mục tiêu hạn chế khả năng hoạt động của Mỹ trên lãnh thổ của họ, đồng thời tin tưởng công nghệ tên lửa sẽ giúp đẩy lùi Mỹ và các đồng minh trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Trong 2 năm qua, Trung Quốc cũng trình làng các tên lửa tầm trung, một trong số đó được gọi là “sát thủ tàu sân bay” vì có khả năng tấn công các tàu chiến lớn nhất của Mỹ.

THANH TRÚC 

Chia sẻ bài viết