22/02/2009 - 11:08

Thế giới chờ đợi G20 mở rộng

Thủ tướng Anh Gordon Brown ngày 20-2 thông báo đại diện các quốc gia đang phát triển ở châu Á và châu Phi đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), theo kế hoạch diễn ra tại Luân Đôn vào ngày 2-4, nhằm tìm giải pháp khả dĩ đối phó cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

Các khách mời của G20 lần này ngoài CH Czech (hiện là chủ tịch Liên minh châu Âu - EU) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, còn có Thái Lan (với tư cách chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN), chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Jean Ping và đại diện của Đối tác mới vì sự phát triển châu Phi (NEPAD). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng được mời tham gia.

Theo Thủ tướng Brown, hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ tập hợp tiếng nói chung từ các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới và các nền kinh tế mới nổi cho đến các nước đang và kém phát triển khắp hai lục địa Á - Phi. Ông chủ Phố Downing nhấn mạnh hội nghị G20 mở rộng “không chỉ phản ánh thực tế mới của nền kinh tế toàn cầu, mà còn sẽ giúp những giải pháp được đưa ra tại hội nghị được thực thi hiệu quả hơn. Để khống chế một cách có hiệu quả cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, chúng ta cần tập hợp các đối tác trên khắp hành tinh”. Theo nhà lãnh đạo Anh, những thách thức nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt cần phải được hóa giải bằng những hành động mang tính quyết định như bảo đảm việc làm cho người lao động, khôi phục lòng tin của dân chúng và vực dậy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Với tư cách chủ tọa hội nghị thượng đỉnh G20 mở rộng, Anh đã đề ra các nhóm giải pháp tham khảo để thảo luận tại hội nghị. Theo đó, G20 phải tái khẳng định quyết tâm bình ổn và cải cách hệ thống tài chính, hạn chế tổn thất mà cuộc suy thoái toàn cầu gây ra, đẩy nhanh khôi phục nền kinh tế; xem xét tính hiệu quả lâu dài và cân bằng của các gói kích thích kinh tế; phối hợp và giám sát các hoạt động tài chính toàn cầu nhằm đảm bảo tính minh bạch và quản lý rủi ro; tăng cường các nguồn lực, phạm vi hỗ trợ kinh tế và vai trò cảnh báo sớm đối với hệ thống tài chính toàn cầu cho IMF; các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần được trao nhiều quyền hơn trong các định chế tài chính quốc tế; hoàn thành sớm vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha; các nước giàu cần thực hiện cam kết đẩy mạnh viện trợ cho các nước đang phát triển.

Thật ra, không phải bây giờ mà từ năm ngoái G20 từng được kỳ vọng sẽ tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng tài chính lan khắp toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Hội nghị thượng đỉnh tháng 11-2008 tại Washington (Mỹ), Nhóm các nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đã không đưa ra được biện pháp khả thi nào để “ghìm” cơn bão khủng hoảng. Lần này, người ta hy vọng với sự góp mặt của các tổ chức và các nền kinh tế đang và kém phát triển ở châu Á và châu Phi, hội nghị G20 sẽ thống nhất được tiếng nói và đề ra được giải pháp căn cơ, nhằm đi đến sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng gây quá nhiều tổn thất hiện nay.

PHÚC GIA AN
(Theo AFP, Reuters)

PHÚC GIA AN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết