28/02/2022 - 21:19

Thế giới “chạy đua” tìm kiếm vaccine thế hệ mới 

NGUYỄN THU HÀ

Chỉ trong một thời gian ngắn, thế giới đã tìm ra các loại vaccine hiệu quả có thể bảo vệ con người khỏi diễn tiến nặng khi mắc COVID-19, song các nhà sản xuất và phòng thí nghiệm vẫn đang nghiên cứu và tìm kiếm mọi giải pháp để có thể tạo ra một loại vaccine thế hệ mới vừa có thể bảo vệ con người khỏi nguy cơ bị bệnh nặng, vừa tạo ra hàng rào bảo vệ hiệu quả hơn đối với sự lây nhiễm của các biến thể, cũng như đối phó với sự suy giảm dần khả năng miễn dịch của vaccine.

Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn bài viết đăng trên báo Le Monde cho biết hàng chục nhóm các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển những loại vaccine mới.

Tháng 1 vừa qua, Pfizer/BioNTech thông báo đang nghiên cứu phát triển một loại vaccine nhắm mục tiêu cụ thể vào biến thể Omicron của SARS-CoV-2. Loại vaccine được tạo ra theo công nghệ mRNA giúp dễ dàng điều chỉnh thích hợp kháng nguyên - tín hiệu sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch. Giới chức hãng dược phẩm BioNTech cho biết loại vaccine mới này, dự kiến được sử dụng như một liều tăng cường, sẽ được gửi cho các cơ quan chức năng đánh giá vào cuối tháng 3 tới để được cấp phép vào tháng 5. Các hãng Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca cũng đang theo đuổi đích đến này cùng Pfizer/BioNTech.

Nhìn chung, các nhà sản xuất đều đang nhằm mục tiêu tạo ra vaccine có thể tấn công thẳng vào thành phần mà giới khoa học gọi là “trái tim của virus” là nucleocapsid (bao gồm vật chất di truyền RNA của virus và protein N) được bảo vệ bởi lớp vỏ protein S bên ngoài, thay vì nhắm mục tiêu là các protein gai như trước. Tại Pháp, công ty công nghệ sinh học Osivax đã dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu về bệnh cúm để phát triển một loại vaccine dựa trên các protein tái tổ hợp nhắm vào thành phần nói trên. Ðại diện Osinax cho biết : “Các thử nghiệm tiền lâm sàng rất đáng khích lệ. Phản ứng T phổ rộng mà chúng tôi tạo ra giúp chúng tôi có thể nhắm đến các biến thể khác nhau hiện nay và các biến thể có nhiều khả năng xuất hiện trong tương lai”.

Ngoài việc phát triển vaccine đường tiêm, các nhà nghiên cứu còn hướng tới việc tìm ra loại vaccine ngừa COVID-19 dưới dạng xịt qua đường mũi.

Kỳ vọng về vaccine mới vừa chống cúm mùa vừa phòng COVID-19

Trước sự xuất hiện của SARS-CoV-2, virus cúm A (IAV) là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh đường hô hấp. Ðến nay, vaccine cúm A vẫn phải tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần với mức độ hiệu quả thay đổi hằng năm và thường phụ thuộc vào sự phản ứng của kháng nguyên giữa các chủng virus cúm đang lưu hành với những chủng đã được đưa vào vaccine.

Trong nghiên cứu gần đây đăng trên Tạp chí Virology, các nhà khoa học đã nghiên cứu một ứng cử viên vaccine có thể phòng chống đồng thời SARS-CoV-2 và IAV. Ðể đạt được mục tiêu này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một chất sinh miễn dịch tổng hợp bằng cách kết hợp khu vực kết nối kháng nguyên (RBD) SARS-CoV-2 với cuống của kháng nguyên bề mặt (HA) của virus H7N9. Cả hai thành phần này đều được biểu hiện sau đó ở vector huyết thanh 68 adenovirus ở tinh tinh (AdC68).

Các nhà nghiên cứu chủ yếu chú trọng đến việc xác định việc sản sinh miễn dịch và hiệu quả của AdC68-CoV/Cúm, vốn là vaccine được tạo ra từ huyết thanh adenovirus 68 ở chuột. Vaccine AdC68-CoV/Cúm mùa đã được thử nghiệm trên chuột thông qua tiêm bắp. Kết quả cho thấy AdC68-CoV/Cúm đạt hiệu quả trong việc giúp chuột chống lại SARS-CoV-2 và cúm H7N9. Hơn nữa, những con chuột được tiêm vaccine AdC68-CoV/Cúm cũng ít có nguy cơ mắc cúm H3N2.

Các nhà khoa học cũng phát hiện việc tiêm vaccine AdC68-CoV/Cúm còn tạo ra phản ứng mạnh mẽ của tế bào T đặc hiệu RBD ở những con chuột đã được tiêm phòng. Do chức năng quan trọng của miễn dịch tế bào T trong việc chống virus, đặc tính này có thể góp phần chống lại sự lây nhiễm của SARS-CoV-2.

Không chỉ vậy, vaccine AdC68-CoV/Cúm mới được phát triển còn tạo ra cả kháng thể chống SARS-CoV-2 và chống cúm mùa, giúp chuột được bảo vệ trước hai bệnh này. Do đó, các nhà nghiên cho rằng AdC68-CoV/Cúm có thể được xem là vaccine 2 trong 1 nhằm ngăn ngừa SARS-CoV-2 và IAV.

Chia sẻ bài viết