|
Kế hoạch hòa hợp với Taliban của Tổng thống Hamid Karzai (trái) được sự ủng hộ của các nước láng giềng tại hội nghị ở Istanbul hôm 26-1. Ảnh: Reuters |
Hôm nay 28-1, các ngoại trưởng của 56 nước, đại diện Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế sẽ tề tựu về Thủ đô Luân Đôn (Anh) để tham dự một hội nghị đặc biệt về Afghanistan. Mục đích của hội nghị là bàn cách phối hợp hành động viện trợ cho Afghanistan, vạch ra tiến trình và một thời gian biểu cụ thể để các lực lượng nước ngoài chuyển giao công tác đảm bảo an ninh cho quân đội bản xứ. Hội nghị cũng dự kiến sẽ đề ra phương thức sử dụng các nguồn quỹ và các giải pháp đưa những phần tử “Taliban ôn hòa” tham gia chính trường Afghanistan... Và đây là vấn đề được quan tâm nhất tại hội nghị.
Trước khi diễn ra hội nghị, Anh và Nhật đã nhất trí đi đầu trong việc lập quỹ quốc tế mới, dự kiến lên tới 500 triệu USD trong 5 năm tới. Đây là một phần trong kế hoạch “chiêu hàng” các tay súng Taliban, theo đó cam kết tạo việc làm, bảo vệ an toàn và xóa tên khỏi danh sách mục tiêu của Mỹ và NATO những ai rời bỏ Taliban. Những người lập quỹ này cho rằng nó sẽ giúp Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai khởi động tiến trình tái hòa hợp các tay súng nổi dậy cấp thấp, đồng thời vạch ra chiến lược đối thoại với các thủ lĩnh cấp cao của Taliban.
Theo các nhà ngoại giao, đại diện các nước tham gia hội nghị sẽ thảo luận thời gian biểu rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan trong vòng 4 hoặc 5 năm tới, sau khi Tổng thống Karzai tuyên bố quân đội nước ngoài nên ở lại Afghanistan ít nhất 4 năm nữa để các lực lượng Afghanistan có thể đảm nhận vai trò đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, nhiều nước tham chiến muốn nhanh chóng thoát khỏi bãi lầy này. Một ngày trước hội nghị, Đức tuyên bố chỉ tăng viện thêm 500 binh sĩ, nâng quân số của Đức ở Afghanistan lên 5.000. Rõ ràng, số viện binh của Đức thấp hơn nhiều so với yêu cầu tăng thêm 2.500 binh sĩ từ phía Mỹ. Mặt khác, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết quân đội Đức có thể từng bước rút về nước bắt đầu vào năm 2011.
Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp tục gia tăng tại Afghanistan. Ngày 26-1, chỉ vài giờ sau khi một nhóm vũ trang xả súng làm 4 cảnh sát Afghanistan thiệt mạng ở miền Nam, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại căn cứ quân sự Phoenix của Mỹ ở Kabul, làm ít nhất 14 người, trong đó có 8 binh sĩ Mỹ, bị thương. Những vụ bạo lực mới nhất cho thấy đề xuất hòa giải mà ông Karzai đưa ra với Taliban không dễ được phe này chấp nhận.
Những vấn đề như trên làm gia tăng sự hoài nghi về mục đích thực chất của hội nghị ở Luân Đôn. Dư luận cho rằng hội nghị là cơ hội để Thủ tướng nước chủ nhà Gordon Brown thể hiện làm “người phát ngôn toàn cầu” trước cuộc tổng tuyển cử ở Anh vào tháng 5 tới, sau khi uy tín của ông sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây. Với những nước có quân tham chiến ở Afghanistan, họ kỳ vọng hội nghị sẽ cung cấp bằng chứng rằng cuộc chiến sẽ kết thúc. Ví như Đức xem hội nghị là cơ hội tốt để giúp định hình chính sách của NATO ở Afghanistan để từ đó chuyển giao “gánh nặng” này.
N. MINH
(Theo WSJ, Washingtonpost, NYT)