Liên kết hình thành chuỗi giá trị nông sản không còn là vấn đề mới mẻ, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Khi liên kết “4 nhà” được thắt chặt, doanh nghiệp mới có đủ nguồn hàng lớn, chất lượng ổn định cung cấp cho đối tác, còn nông dân mới ổn định được đầu ra và có lợi thế khi đàm phán hợp đồng. Tuy nhiên, liên kết như thế nào để tạo đồng thuận, hài hòa lợi ích thành viên tham gia chuỗi cung ứng vẫn luôn là bài toán nan giải đối với ngành Nông nghiệp ĐBSCL.
Tạo chuỗi liên kết
Nhờ liên kết với doanh nghiệp, giá bán cá tra nguyên liệu của HTX Thắng Lợi, TP Cần Thơ khá ổn định trong những năm qua.
Hiện nay, nhu cầu về thực phẩm an toàn và quản lý chất lượng từ các nguồn cung cấp nông sản của người tiêu dùng toàn cầu tăng cao. Đặc biệt là trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đã và đang phát huy hiệu lực. Đây là thử thách nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho người nông dân hưởng lợi nhờ sản xuất nông sản an toàn, chất lượng; đồng thời tạo nguồn nguyên liệu đầu vào sạch cho doanh nghiệp chế biến thành sản phẩm đạt yêu cầu người tiêu dùng. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông học, trong tình hình cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt với những rào cản kỹ thuật dày đặc, việc liên kết để sản xuất lượng hàng hóa nông sản lớn, chất lượng, đúng theo tiêu chuẩn quốc tế là xu thế tất yếu. “Trong mô hình phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mẫu, các hộ nông dân được liên kết lại với nhau một cách chặt chẽ, với những quy định về trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng. Quan trọng nhất là từ sự liên kết này, các “Cánh đồng mẫu lớn” mới ra đời và phát triển. Đây là tiền đề cho cơ giới hóa nông nghiệp và tự động hóa nông nghiệp phát huy vai trò” - GS.TS Võ Tòng Xuân nói.
Ông Hồ Văn Hữu, Phó Giám đốc HTX Xoài Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: Bà con nơi đây đa phần sống bằng nghề làm vườn, chủ yếu là trồng xoài. Tuy nhiên, chúng tôi luôn phải đối mặt với cảnh “được mùa, mất giá” và ngược lại. Từ đó, chúng tôi nhận thấy không thể sản xuất theo lối cũ được mà phải chuyển hướng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đưa trái xoài hội nhập quốc tế. Với sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố và đặc biệt là quyết tâm của 21 thành viên HTX, xoài của chúng tôi đã được chứng nhận Global GAP. Tôi mong muốn ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ chúng tôi quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế để nâng cao giá trị trái xoài, đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong HTX”.
Không chỉ những người nông dân liên kết với nhau mà doanh nghiệp cũng chủ động bắt tay nông dân hình thành chuỗi liên kết nông sản. Minh chứng cho vấn đề này, rất nhiều các doanh nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang), Công ty Rynan Holdings JSC (tỉnh Trà Vinh)… đã tạo dựng mạng lưới liên kết với nông dân. Nông dân trở thành cổ đông, cùng chia sẻ lợi nhuận thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như: dùng laser phá bờ san phẳng đồng ruộng, hệ thống cảnh báo độ mặn tự động… Song song đó, nông dân làm quen với sàn giao dịch chứng khoán, số hóa giá trị nông sản thông qua các phần mềm theo dõi quy trình nuôi trồng từ khi còn là cây, con giống đến khi xuất xưởng, thậm chí theo dõi tận khi đến tay người tiêu dùng…
Làm mới
Như vậy, ĐBSCL đã hình thành những HTX kiểu mới làm ăn hiệu quả hay mô hình liên kết tối ưu giữa nông dân và doanh nghiệp để các bên cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, tình trạng “bẻ kèo”, không tìm được tiếng nói chung giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn xảy ra. Vì vậy, yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay là “4 nhà” phải đổi mới cách nghĩ, cách làm và ứng dụng thành tựu Cách mạng Công nghiệp 4.0 để nâng chất chuỗi giá trị nông sản đồng bằng. “Đã qua rồi cái thời “không biết làm gì mới làm nông nghiệp”, làm nông nghiệp nhỏ lẻ và theo kinh nghiệm cha truyền con nối. Nền nông nghiệp hiện đại là “sân chơi” cho những người trẻ, có kiến thức, dám mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất. Phát triển nông nghiệp bền vững cần thực hiện theo chuỗi giá trị mà trong đó người nông dân phải là nông dân đổi mới - người nông dân với tư duy GAP, chấp nhận cái mới lạ so với cách thức canh tác truyền thống” - GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Thành lập HTX ứng dụng kỹ thuật số là điều kiện tiên quyết để định hướng phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam đạt chuẩn quốc tế. TS Trần Hữu Hiệp, Đại học FPT, chia sẻ: “ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại cây trái của cả nước đang cần lắm những giải pháp để gia tăng giá trị nông sản, cải thiện đời sống cho nông dân, xóa bỏ tư duy làm nông không thể giàu. Giải pháp căn cơ nhất chính là phải đổi mới sáng tạo, tạo ra thế hệ nông dân kỹ thuật số. Ở đó, người làm nông không cần đổ nhiều công sức mà chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh để điều khiển tưới tiêu, phun thuốc… cho cả trang trại hàng ngàn mét vuông”.
Theo Ths Nguyễn Kim Thanh, đại diện Tổ chức ASSIST (Đức), Global GAP là giấy thông hành để nông sản Việt vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, Global GAP chỉ làm được khi tất cả thành viên HTX nắm vững quy định và tuân thủ tuyệt đối quy trình. Quy định về cách thức sử dụng phân thuốc, phương thức thu hoạch, đóng gói, vận chuyển… đều phải đồng bộ và theo tiêu chuẩn quốc tế. Quy trình xử lý đồng ruộng, quản lý dịch hại, kỹ thuật nuôi trồng… được cập nhật tự động vào phần mềm với sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia thông qua hệ thống camera giám sát và các cảm biến tại nông trại và được ghi nhận thành nhật ký sản xuất mà người nuôi trồng cũng như các khâu vận chuyển, phân phối không thể can thiệp chỉnh sửa số liệu được. Việc này đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu khách hàng về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bài, ảnh: MỸ THANH