16/07/2016 - 18:10

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thất bại và đẫm máu

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong tuyên bố đã kiểm soát được tình hình và đã gọi âm mưu đảo chính thất bại của một nhóm quân đội vào tối ngày 15-7 là "hành động phản quốc", đồng thời cảnh báo những người đứng sau vụ việc "sẽ phải trả giá đắt".

Ít nhất 194 người thiệt mạng

Hãng tin Reuters cho biết vụ hỗn loạn diễn ra trong đêm 15-7 với máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự được triển khai trên bầu trời Thủ đô Ankara trong khi nhóm binh sĩ phong tỏa 2 cây cầu Bosphorus và Fatih Sultan Mehmet bắc qua Eo biển Bosphorus nối phần châu Âu và châu Á tại thành phố Istanbul. Tiếng súng nổ làm rung chuyển thành phố Istanbul và Thủ đô Ankara khi nhóm vũ trang bắt đầu kiểm soát cả hai thành phố lớn và ra lệnh cho đài truyền hình quốc gia TRT đọc tuyên bố quân đội đã chiếm được quyền kiểm soát đất nước.

Tổng thống Erdogan xuất hiện giữa lúc cuộc đảo chính diễn ra.

Quân nổi dậy cho biết mục tiêu lật đổ chính phủ là nhằm "tái lập trật tự hiến pháp, nền dân chủ, tự do và nhân quyền". Nhóm quân đội còn thông báo "hội đồng hòa bình" sẽ bắt đầu điều hành đất nước, lệnh giới nghiêm cũng được thiết lập đi kèm thiết quân luật. Sân bay bị đóng cửa, hoạt động tiếp cận internet trên các mạng truyền thông xã hội cũng bị gián đoạn trong vài giờ đầu tiên của cuộc đảo chính. Báo cáo từ hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho biết phe nổi dậy đã sử dụng trực thăng quân sự và súng máy hạng nặng tấn công trụ sở cơ quan tình báo. Cũng có ghi nhận về các vụ đánh bom tại tòa nhà quốc hội ở Ankara khiến một số cảnh sát bị thương trong khi các nghị sĩ được cho là đã ẩn náu tại một khu vực an toàn.

Đến rạng sáng ngày 16-7, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết chính phủ đã kiểm soát được tình hình sau khi các cơ quan tình báo phối hợp cảnh sát và giới lãnh đạo quân sự hàng đầu ủng hộ Tổng thống Erdogan chiến đấu chống lại những kẻ âm mưu đảo chính. Trích lời Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag, hãng thông tấn Anadolu tuyên bố âm mưu đảo chính đã thất bại khi lực lượng an ninh chính phủ giành thắng lợi ở nhiều nơi. Một chỉ huy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết máy bay chiến đấu F-16 đã bắn rơi một máy bay trực thăng của phe nổi dậy trên bầu trời Ankara. Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cũng được giải cứu sau khi bị bắt làm con tin. Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ định Tướng quân đội Umit Dundar, chỉ huy quân đoàn Bộ binh số 1, làm quyền Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Ông Umit Dundar sau đó thông báo có ít nhất 194 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, đụng độ và biểu tình ủng hộ chính phủ, bao gồm 104 kẻ tình nghi đảo chính, 47 dân thường, 41 sĩ quan cảnh sát và 2 binh sĩ. Hơn 1.154 người khác bị thương. Ông cho biết thêm hiện có một số sĩ quan quân đội đang bị binh sĩ đảo chính bắt làm con tin.

"Hành động phản quốc"

Vụ việc diễn ra trong lúc Tổng thống Erdogan đang trong kỳ nghỉ tại vùng bờ biển phía Tây Nam. Rạng sáng ngày 16-7, truyền thông cho biết ông Erdogan đã bay đến thành phố Istanbul. Dẫn lời các nhân chứng, hãng tin Reuters cho biết binh lính ủng hộ chính phủ đã kiểm soát sân bay Ataturk ngay sau khi Tổng thống Erdogan hạ cánh. Phát biểu trong cuộc họp báo ngay sau đó, Tổng thống Erdogan khẳng định cuộc đảo chính của nhóm quân nhân là "hành động phản quốc" và những người chịu trách nhiệm "sẽ phải trả giá đắt". Ông Erdogan tuyên bố có hàng triệu người dân quốc gia này đã đổ xuống các tuyến đường ở Ankara và Istanbul, hai thành phố lớn bị lực lượng đảo chính tấn công, để tiến hành các cuộc biểu tình phản đối đảo chính và thể hiện sự ủng hộ với tổng thống và chính phủ.

Người dân biểu tình ngăn cản xe tăng của quân nổi dậy vào rạng sáng ngày 16-7 tại Thủ đô Ankara. Ảnh: AP

Tổng thống Erdogan cùng nhiều quan chức chính phủ và một số tướng lĩnh quân sự cáo buộc phong trào ủng hộ ông Fethullah Gulen giật dây vụ đảo chính. Được biết, ông Gulen là giáo sĩ có sức ảnh hưởng lớn về chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và từng là một đồng minh quan trọng của ông Erdogan nhưng hiện đang sống lưu vong tại Mỹ. Ngay sau có thông tin vụ việc, một tổ chức thân cận của ông Gulen tuyên bố lên án bất kỳ sự can thiệp quân sự nào đối với nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời bác bỏ khả năng có liên quan. Thay vào đó, tổ chức này cáo buộc các lãnh tụ Hồi giáo đứng đằng sau cuộc nổi dậy.

Hãng thông tấn Anadolu đưa tin, thủ lĩnh cuộc đảo chính là Muharrem Kose, cựu đại tá quân đội có liên hệ với phong trào của ông Gulen và bị sa thải hồi tháng 3-2016. Sau đó, nhân vật này muốn thành lập một tổ chức mang tên "Hội đồng Hòa bình" nhằm thay thế chính phủ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền hiện đã bắt giữ 1.563 quân nhân tham gia đảo chính trên khắp cả nước. Khoảng 50 binh sĩ tham gia đảo chính đã ra đầu hàng quân chính phủ ở thành phố Istanbul. Có 29 đại tá và 5 tướng quân đội đã bị cách chức vì có liên quan đến âm mưu đảo chính. Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo có khả năng xảy ra cuộc đảo chính nữa.

Theo đài truyền hình TRT, tình trạng thiết quân luật đã được áp đặt ở Thổ Nhĩ kỳ, hiến pháp mới sẽ được soạn thảo sớm nhất có thể và nước này sẽ được điều hành bởi một "Hội đồng Hòa bình" để bảo đảm sự an toàn cho người dân.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Bruce Riedel, cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện làm việc cho Viện Brookings, đánh giá: "Cuộc đảo chính có thể là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định giữ vai trò then chốt đối với lợi ích của Mỹ tại Trung Đông, Balkan và Caucasus. Một Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ dù có bị đứt đoạn vẫn mang tính thiết yếu cho bất kỳ hy vọng cải cách chính trị nào ở Trung Đông".

Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có nhiều cơ sở quân sự, trung tâm tình báo quan trọng của Mỹ và NATO. Mỹ có khoảng 2.200 quân nhân và nhân viên dân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cuộc đảo chính của những người lính bất mãn đánh dấu một thách thức nghiêm trọng nhất sau 13 năm cầm quyền đạt nhiều thành công về kinh tế nhưng đầy chia rẽ về chính trị.

Chia sẻ bài viết