Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học diễn ra sôi nổi ở các trường phổ thông. Để các em học sinh phát huy tài năng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ vừa tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố. Qua đó khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn...
Nhiều đề tài hay
Theo Ban tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm nay quy mô đề tài tăng, thể hiện sự say mê khoa học, công sức trí tuệ và sự sáng tạo của học sinh. Thầy Nguyễn Phúc Tăng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở GD&ĐT thành phố kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi, nhận xét: "Lĩnh vực dự thi đa dạng, nhiều ý tưởng sáng tạo đáng khuyến khích, thể hiện sự đầu tư công phu, bài bản, có ý nghĩa về lý luận lẫn thực tiễn. Đặc biệt nhiều dự án đưa ra hướng phát triển đề tài".
Với Đề tài "Hệ thống thông gió cho mũ bảo hiểm" của 2 tác giả Trình Minh Toàn và Võ Lê Vương Hỷ, học sinh Trường THPT Phan Ngọc Hiển cũng là ý tưởng độc đáo. Xuất phát từ thực tế nước ta có khí hậu nhiệt đới nên nhiệt độ thường xuyên trên 300C, vì vậy việc đội mũ bảo hiểm thời gian dài có thể gây nóng, khó chịu. Minh Toàn cho biết, với sản phẩm của nhóm nghiên cứu đặt ra mục đích là tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng, giảm bớt nhiệt độ và độ ẩm trong nón. Bằng việc sử dụng hệ thống thông gió cải tiến sẽ làm giảm nhiệt độ và độ ẩm trong nón bảo hiểm khi sử dụng thời gian dài. Từ ý tưởng đó, nhóm tác giả thay đổi hệ thống thông gió sẵn có, tạo các rãnh hướng gió nhằm tăng tốc độ đối lưu của không khí trong nón. Đồng thời tích hợp thêm hệ thống quạt trong nón.

Em Nguyễn Phúc Hậu (bên phải), học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng thuyết minh đề tài "Cải tiến bồn rửa thành hệ thống lọc nước thải phòng thí nghiệm đa tầng" tại Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố.
Nuôi dưỡng niềm đam mê, vốn thích tìm tòi từ khi còn là những cậu học trò lớp 9, Đỗ Hồng Xuân và Nguyễn Phúc Hậu, học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, đã biến ước mơ thành hiện thực. Đề tài "Cải tiến bồn rửa thành hệ thống lọc nước thải phòng thí nghiệm đa tầng", được ban tổ chức đánh giá mang tính sáng tạo và ứng dụng cao. Hiện nay, đa số chất thải phòng thí nghiệm, nhất là chất thải phòng thí nghiệm của trường học không được xử lý mà đổ trực tiếp ra môi trường. Việc xử lý nước thải phòng thí nghiệm là nhiệm vụ cấp thiết, đề tài "Cải tiến bồn rửa thành hệ thống lọc nước thải phòng thí nghiệm đa tầng" được tiến hành để đáp ứng các yêu cầu lọc nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường. Sau những ngày mày mò, Hồng Xuân và Phúc Hậu thiết kế lõi lọc đa tầng tự tạo để lọc nước thải phòng thí nghiệm trước khi thải ra môi trường nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Thiết bị lọc đa tầng được tận dụng từ các nguyên liệu sẵn có, dễ tìm kiếm như: Sỏi, xơ dừa, cát, than hoạt tính
Bồn rửa được tái sử dụng từ bồn rửa thông thường trong phòng thí nghiệm và bố trí thành bồn rửa có hệ thống lọc để tráng rửa dụng cụ thí nghiệm có hóa chất lần đầu trước khi tiến hành rửa theo cách thông thường tại các bồn rửa khác
Kết quả cho thấy, việc quản lý và vận hành dễ dàng và hoàn toàn phù hợp với trình độ cán bộ quản lý phòng thí nghiệm. Tùy theo điều kiện ở từng trường phổ thông mà có cách bố trí bồn rửa hóa chất hợp lý. Với những ưu điểm trên, sản phẩm được Ban tổ chức trao giải Nhì và chọn dự thi vòng quốc gia.
Bên cạnh đó còn nhiều đề tài xuất phát từ thực tế cuộc sống như: "Hệ thống tự động đóng - ngắt điện cho phòng học và đèn chiếu sáng", tác giả Lý Nghĩa, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cần Thơ; "Nghiên cứu sản xuất kẹo từ cây chùm ngây", nhóm tác giả Huỳnh Diết Diệu và Huỳnh Ngân, Trường THPT Châu Văn Liêm; "Máy thu rơm", tác giả Phan Quốc Vinh, Trường THCS Ngô Quyền
Chú trọng nghiên cứu khoa học
Đầu năm học, Sở GD&ĐT tích cực triển khai công tác nghiên cứu khoa học cho các trường, phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa công tác đến các cấp quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh. Ngành giáo dục kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học đến các phòng GD&ĐT và trường trực thuộc, lập kế hoạch phù hợp với từng học sinh và đơn vị, định hướng từng khu vực vùng ven, vùng nông thôn để có sản phẩm thiết thực, gắn liền với cuộc sống địa phương. Các Phòng GD&ĐT, các trường THPT tích cực tham gia cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học và đạt kết quả khả quan cấp toàn quốc.
Có thể nói, công tác nghiên cứu khoa học có tác dụng tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, giúp "nhà sáng chế nhí" làm quen với nghiên cứu khoa học và phát huy khả năng sáng tạo. Cuộc thi góp phần tích cực đổi mới giáo dục phổ thông, định hướng phát triển năng lực của học sinh nên các trường phổ thông tích cực hưởng ứng. Như Trường THPT Nguyễn Việt Hồng tích cực triển khai kế hoạch đến từng học sinh; Ban Giám hiệu luôn quan tâm sâu sát, tích cực chỉ đạo, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất về vật chất lẫn tinh thần, giúp học sinh thỏa sức đam mê sáng tạo. Đối với Nguyễn Thái Nguyên, học sinh Trường THPT Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, mang đến cuộc thi năm nay sản phẩm "Thiết bị lọc khí bằng phương pháp hấp thu". Nguyên cho biết: "Em tham gia sân chơi khoa học để thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu. Qua cuộc thi này em học hỏi được nhiều điều thú vị, nghiên cứu khoa học cần sự sáng tạo, tính cần cù". Thời gian qua, thầy Nguyễn Văn Vũ, giáo viên Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền) không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không chỉ thông qua giáo án mà còn bằng hoạt động thực tiễn là xây dựng các mô hình nghiên cứu khoa học. Năm học 2014-2015, thầy Vũ hướng dẫn học sinh làm nghiên cứu khoa học, đề tài "Sử dụng dịch chiết từ cây long não để phòng trừ sâu, bệnh và côn trùng gây hại trên một số loài cây thuộc họ Bầu Bí tại huyện Phong Điền" đạt giải Nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố, được chọn đại diện Sở GD&ĐT thành phố tham gia cuộc thi cấp quốc gia đạt giải Ba.
Bài, ảnh: MINH HOÀNG