Là một trong năm đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời gian qua ĐBSCL phải chống chịu các hiện tượng như sụp lún đất, sạt lở bờ sông, lốc xoáy, xâm nhập mặn (XNM), triều cường gây ngập lụt… Để ứng phó, thích nghi với các hiện tượng BĐKH, Chính phủ đã đưa ra các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH (Mekong DPO). Thế nhưng, việc triển khai các dự án còn chậm, do còn nhiều thủ tục, "nút thắt" cần được tháo gỡ…
TP Cần Thơ nhiều công trình, dự án ứng phó BĐKH cần được đầu tư thực hiện. Trong ảnh: Sạt lở bờ sông Ô Môn trên địa bàn huyện Thới Lai, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của người dân.
Khó khăn, chậm trễ
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho biết, các dự án Mekong DPO do Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 địa phương vùng ĐBSCL đề xuất, gồm 16 dự án với tổng mức đầu tư 99.133 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng của Việt Nam là 30.037 tỉ đồng, vốn vay nước ngoài 2,932 tỉ USD (tương đương 69.096 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn dự án được các địa phương đề xuất đầu tư là tuyến đường bộ ven biển để khép kín giao thông cho vùng…
Đến nay, dự án của Bộ Giao thông vận tải (vay vốn WB) và tỉnh Trà Vinh (vay vốn ADB) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất trong đó dự án của Bộ Giao thông vận tải đang được Bộ KH&ĐT thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án MERIT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và dự án của tỉnh Long An đã được Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án. Đối với 4 dự án của các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung về tài chính.
Theo Bộ KH&ĐT, về cơ bản quá trình chuẩn bị và phê duyệt để triển khai các dự án Mekong DPO vẫn chậm so với chỉ đạo và kế hoạch dự kiến. Chẳng hạn, đề xuất dự án thích ứng BĐKH của Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ và Hậu Giang chậm trong giai đoạn lấy ý kiến các cơ quan có liên quan. Hai dự án xây dựng cầu Cửa Đại (nối Tiền Giang - Bến Tre) và cầu Cổ Chiên 2 (nối Bến Tre - Trà Vinh) mới được ba địa phương liên quan dự án đề xuất và huy động vốn tài trợ. Ngoài ra, nguyên nhân chậm trễ trong quá trình phê duyệt các dự án do chất lượng chuẩn bị đề xuất dự án của các địa phương chưa cao, phải điều chỉnh nhiều nội dung so với ban đầu. Bên cạnh đó, một số địa phương như tỉnh Bạc Liêu đề xuất những điều chỉnh lớn so với đề xuất trước đó, các cơ quan còn chậm trễ trong việc trả lời các văn bản của Bộ KH&ĐT…
Gỡ nút thắt
Theo Bộ KH&ĐT, hiện nay nguồn vốn đầu tư của các dự án Mekong DPO tăng cao. Cụ thể, so với Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 18-7-2023 của Chính phủ về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn nước ngoài của các dự án vùng ĐBSCL thì tổng mức đầu tư của 16 dự án tăng 12.796 tỉ đồng (vốn đối ứng tăng 3.769 tỉ đồng, vốn vay nước ngoài tăng 379 triệu USD). Theo ông Phạm Hoàng Mai, tổng mức đầu tư của các dự án Mekong DPO tăng chủ yếu do địa phương có sự thay đổi trong đề xuất dự án. Hiện nay tiến độ tổng thể của các dự án đang chậm so với kế hoạch.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho biết: Các dự án Mekong DPO được sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt của Chính phủ và các đối tác phát triển. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP đồng ý huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho 16 dự án Mekong DPO với tổng mức vốn nước ngoài dự kiến huy động được điều chỉnh trên cơ sở nhu cầu vốn đầu tư của các dự án, phù hợp với cam kết của các đối tác phát triển và phê duyệt tỷ lệ cho vay lại vốn vay nước ngoài là 10% đối với 14 dự án thuộc nhiệm vụ chi của địa phương vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28-11-2023; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27-1-2024 về thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó có việc phân cấp cho TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản các dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 61C vay vốn JICA và giao các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh là cơ quan chủ quản các dự án xây dựng cầu Cửa Đại và Cổ Chiên 2 kết nối các địa phương trong vùng.
Để sớm hoàn tất phê duyệt và nhanh chóng triển khai, phát huy tác dụng các dự án Mekong DPO đối với phát triển vùng ĐBSCL và những dự án đầu tư xây dựng cầu nối các địa phương mới phát sinh (theo Nghị quyết số 16/NQ-CP), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản cần tích cực hơn nữa trong việc hoàn tất thủ tục theo quy định; chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề ngoài khả năng.
Mới đây, tại cuộc họp báo cáo tiến độ các dự án Mekong DPO diễn ra ở TP Cần Thơ, đại diện các bộ, ngành và các địa phương có đề xuất, trao đổi, thảo luận biện pháp triển khai quyết định, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền liên quan đến tình hình chuẩn bị và phương án đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án Mekong DPO. Các địa phương, bộ ngành cũng thảo luận về nhu cầu đầu tư, cơ sở pháp lý, cơ chế tài chính, nguồn vốn nước ngoài huy động và các vấn đề có liên quan khác để xây dựng cầu Cửa Đại nối các tỉnh Tiền Giang - Bến Tre và cầu Cổ Chiên 2 nối các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh giúp khép kín tuyến đường ven biển vùng ĐBSCL… Ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Các quyết định quan trọng của cấp thẩm quyền (Nghị quyết số 108/NQ-CP, Nghị quyết số 106/2023/QH15, Nghị quyết số 16/NQ-CP) có tính tháo gỡ "điểm nghẽn" về pháp lý, tạo thuận lợi cho việc chuẩn bị và phê duyệt các dự án Mekong DPO. Việc chuẩn bị và phê duyệt các dự án Mekong DPO đã có những chuyển động tích cực, cần hoàn thành sớm thủ tục phê duyệt…".
Bài, ảnh: HÀ VĂN