07/09/2019 - 09:32

Tháo gỡ “3 không”  

Học hành trắc trở, công ăn việc làm thu nhập bấp bênh, đau bệnh không bảo hiểm y tế… Đó là thực trạng mà những phận người “vô danh” đã và đang đối diện. Gọi là “vô danh” vì mặc dù những người này vẫn có họ tên, vẫn làm việc, sinh sống bình thường nhưng khác một điều là họ không có giấy chứng minh nhân dân, không giấy đăng ký khai sinh và không hộ khẩu (3 không). Do đó, những phận người “vô danh” này gặp vô vàn khó khăn trong đời sống hằng ngày.

Chị Trần Thị Trúc Ly, Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Thới Thuận đang tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho công dân.

Đã ngoài 50 tuổi, nhưng ông Trương Văn Thanh, ở khu vực Thới Phong A, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, không có một giấy tờ "lận lưng". Ông Thanh bộc bạch: “Nhiều năm nay, tôi rất muốn tham gia bảo hiểm y tế nhưng ngặt nỗi, tôi không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào: không giấy khai sinh, không hộ khẩu và không giấy chứng minh nhân dân. Do đó, tôi không thể tham gia bảo hiểm y tế”. Chính vì vậy, thời điểm ông bị bệnh, phải nhập viện điều trị dài ngày, chi phí điều trị lên đến vài chục triệu đồng mà không có thẻ bảo hiểm y tế, gia đình ông đã khó càng thêm khó.

Không chỉ vậy, ông Thanh và bà H. chung sống như vợ chồng hơn 10 năm, nhưng không thể làm giấy đăng ký kết hôn. Kéo theo đó, trong giấy đăng ký khai sinh của con ông, chỉ thể hiện thông tin của người mẹ; còn thông tin cha không thể hiện. Ông cũng không thể tham gia bất cứ một giao dịch hành chính nào. Hiện tại, ông làm mướn, cuộc sống rất bấp bênh.

Trước đây, ông Trương Văn Thanh sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh  (cũ), tỉnh Vĩnh Long, nay là thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Khi trưởng thành, cha mẹ ông lần lượt qua đời. Tiếp đến, ông cưới vợ, rồi sinh sống ở Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp (cũ), tỉnh Hậu Giang. Sau đó, cuộc hôn nhân tan vỡ. Ông đến làm mướn ở phường Thới An, quận Ô Môn, rồi chung sống như vợ chồng với bà H. Ông Thanh nói: “Tôi mong muốn được chính quyền và ngành chức năng tạo điều kiện, giúp đỡ để tôi có được các giấy tờ tùy thân như bao người bình thường khác”.

Đối với trường hợp này, ông Trần Văn Đậu, Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Thới An, cho biết: Tại Công văn số 924/STP-HCTP ngày 17-5-2018 của Sở Tư pháp TP Cần Thơ hướng dẫn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 15/2015/TT-BTP Trường hợp công dân Việt Nam cư trú trong nước, sinh trước ngày 1-1-2016 mà chưa được đăng ký khai sinh nhưng có hồ sơ, giấy tờ cá nhân (bản chính hoặc bản sao được chứng thực hợp lệ) như: giấy tờ tùy thân theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; sổ hộ khẩu; sổ tạm trú; giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có yêu cầu đăng ký khai sinh thì UBND cấp xã, nơi người đó cư trú thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trường hợp ông Thanh chưa đăng ký khai sinh, hiện không có bất cứ giấy tờ cá nhân nào mà có yêu cầu đăng ký khai sinh thì UBND phường sẽ có văn bản trao đổi với cơ quan công an, đề nghị cơ quan công an kiểm tra, xác minh, khẳng định các thông tin cơ bản về nhân thân của đương sự (họ, tên, chữ đệm, địa chỉ cư trú, tình trạng hôn nhân, mối quan hệ gia đình, tình trạng giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú…). Sau khi có kết quả xác minh, cơ quan đăng ký hộ tịch chấp nhận văn bản của cơ quan công an là cơ sở để xác định nơi cư trú, thông tin cơ bản về nhân thân của đương sự (thay thế giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú) và hướng dẫn ông hoàn chỉnh hồ sơ, thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định.

Trường hợp của 2 anh em Cam Thành Danh, sinh năm 1993 và Cam Thiện Phúc, sinh năm 1998, ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cũng tương tự. Từ lúc sinh ra tới trưởng thành, Danh và Phúc thuộc diện “3 không”. Từ đó, việc học hành của cả 2 bị ảnh hưởng nhiều. Bà Cam Lệ Hồng, mẹ Danh và Phúc, cho biết: “Nhà nghèo, nên từ khi sinh con ra đời cho đến nay, tôi vẫn chưa làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Ai dè, cuộc sống của các con gặp vô vàn khó khăn, nhất là không thể xin vào làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp”.

Qua rà soát, nắm tình hình, chị Trần Thị Trúc Ly, Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Thới Thuận đã tận tình hướng dẫn thủ tục để Danh và Phúc được đăng ký khai sinh. Chị Trúc Ly cho biết: “Để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho Danh và Phúc, tôi hướng dẫn chị Hồng liên hệ và làm giám định để chứng minh mối quan hệ mẹ - con. Từ kết quả giám định này, tôi tiếp tục hướng dẫn chị Hồng điền thông tin tờ khai đăng ký khai sinh; sau cùng, Danh và Phúc được xem xét, cấp giấy đăng ký khai sinh theo quy định”.

Có được Giấy khai sinh, Danh và Phúc tiếp tục đăng ký hộ khẩu thường trú và làm thẻ căn cước công dân. Bà Hồng bộc bạch: “Tôi rất mừng! Cái khó bấy lâu của gia đình tôi được giải quyết. Từ đây, 2 con tôi sẽ dễ dàng hơn khi tham gia các giao dịch, nhất là có thể xin việc làm tại các cơ quan, xí nghiệp, giúp gia đình có thêm thu nhập, vươn lên ổn định đời sống”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết