06/04/2021 - 08:58

Thận trọng để đăng ký xét tuyển chính xác 

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Trường Ðại học Cần Thơ phối hợp tổ chức đã thu hút hàng ngàn học sinh, phụ huynh từ khắp ÐBSCL. Bên cạnh quan tâm những điểm mới của tuyển sinh 2021, học sinh và phụ huynh chú trọng thông tin về ngành nghề, phương thức xét tuyển, nhất là cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.   

Ðại diện Bộ Giáo dục và Ðào tạo thông tin về điểm mới tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021.

Lê Thị Hoàng Oanh, học sinh lớp 12, Trường THPT Ngã Sáu (tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Em dự định đăng ký xét tuyển (ÐKXT) ngành Quản trị kinh doanh, Trường Ðại học Cần Thơ, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ. Sau khi được thầy cô tư vấn, em đã hiểu rõ hơn về chương trình, phương thức xét tuyển, học phí và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”. Còn Nguyễn Minh Tiến, học sinh Trường THPT Bình Thủy (TP Cần Thơ), có nguyện vọng 1 ÐKXT vào Học viện Phòng không - Không quân Việt Nam, Hà Nội; nguyện vọng 2 sẽ chọn đăng ký vào ngành Kinh tế hoặc Kỹ thuật điện. “Ngày hội giúp em biết rõ cách ÐKXT, các chính sách ưu tiên… Ðặc biệt là đánh giá năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để cân nhắc chọn lựa ngành, trường học phù hợp”, Tiến chia sẻ.

Cũng tại sự kiện, Vũ Trọng Nghĩa, học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ) đã nhờ các chuyên gia tư vấn, giúp em chọn học ngành học phù hợp. Trọng Nghĩa bộc bạch: “Em muốn học Sư phạm Lịch sử, nhưng cha mẹ muốn em vào Sư phạm Tiếng Anh. Cả 2 môn em đều học tốt, nhưng thích Lịch sử hơn”. Một học sinh ở Trường THPT tại Cần Thơ nêu thắc mắc về đào tạo Sư phạm của Trường Ðại học Cần Thơ, xét hoặc không xét tuyển bằng học bạ; tỷ lệ xét tuyển so với tổng chỉ tiêu của trường. Nguyễn Trung Quân, học sinh Trường THPT ở Cà Mau, cho biết: “Bên cạnh được hướng dẫn tự đánh giá năng lực, điều kiện học tập... em còn được các chuyên gia cung cấp nhiều thông tin về cơ hội việc làm của ngành nghề em chọn”.

Hiện nay, học sinh, phụ huynh đã được tiếp cận thông tin đầy đủ khi chọn trường, ngành, bậc học mỗi mùa tuyển sinh. Ðó là nhờ các đơn vị, cơ sở đào tạo, trường phổ thông đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh; cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Tuy vậy, nhiều chính sách mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021; lại thêm phương thức xét tuyển ở mỗi trường rất đa dạng và nhiều phương án; đòi hỏi thí sinh, phụ huynh phải theo dõi sát và có sự so sánh đối chiếu kỹ càng để ÐKXT chính xác, từ đó nâng cao khả năng trúng tuyển đúng năng lực, nguyện vọng của thí sinh. Ðơn cử như theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Ðại học Cần Thơ, năm 2021 tất cả các ngành đào tạo (trong đó có Sư phạm) của trường đều dành 40% chỉ tiêu xét tuyển học bạ; 60% còn lại dành cho xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. “Riêng việc xét học bạ đối với ngành Sư phạm, trường xét đến 6 học kỳ, chứ không chỉ là 5 học kỳ như những ngành khác. Các em muốn vào học ngành Sư phạm, kết quả học tập lớp 12 phải loại Giỏi”, cô Hiền nhấn mạnh.

Thí sinh đặt câu hỏi về tuyển sinh 2021 tại ngày hội. 

Một băn khoăn phổ biến cũng được giải đáp tại ngày hội là thí sinh chọn ngành bản thân yêu thích hay chọn theo ý kiến gia đình - mà dưới góc nhìn của phụ huynh sẽ có cơ hội việc làm cao hơn. Lấy câu chuyện của Vũ Trọng Nghĩa làm ví dụ, bà Hoàng Thúy Nga, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học, chia sẻ: Học sinh vừa có thể học Sư phạm Lịch sử theo đúng đam mê và cũng có thể đăng ký học thêm ngành Tiếng Anh vì chính sách đào tạo của các trường đại học hiện nay cho phép thí sinh đã trúng tuyển vào trường học thêm bằng 2 nếu đáp ứng các điều kiện. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đồng tình: Vì học sinh học tốt cả hai môn, nên nếu học thêm ngành Tiếng Anh sẽ giúp học sinh có thêm phương tiện phát huy tốt hơn các kiến thức của ngành Sư phạm Lịch sử, cũng có cơ hội việc làm nhiều hơn.

*
*    *

Hiện nay, Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 đang được đóng góp ý kiến; sau đó Bộ Giáo dục và Ðào tạo hoàn chỉnh, ban hành quy chế chính thức. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho biết: “Dự kiến quy chế tuyển sinh năm nay vẫn giữ cơ bản ổn định như năm trước. Chỉ có một số cải tiến nhằm tạo điều kiện cho thí sinh thuận lợi hơn trong việc ÐKXT, thay đổi nguyện vọng ÐKXT khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021”. Theo đó, dự kiến năm nay thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ÐKXT tối đa 3 lần (thay vì 1 lần như năm trước), giúp thí sinh thêm thời gian suy nghĩ và tránh sai sót. Bên cạnh đó, thí sinh được ÐKXT không giới hạn nguyện vọng, nhưng phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Thí sinh trúng tuyển rồi, thì các nguyện vọng sau sẽ không được xét tuyển nữa.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyên: “Ðược thay đổi nhiều nguyện vọng nhưng lần điều chỉnh cuối cùng vẫn là quyết định, thí sinh phải cẩn trọng, không chủ quan, tránh sai sót. Thí sinh nên căn cứ vào thực lực của bản thân thể hiện qua kết quả tốt nghiệp THPT; điều kiện kinh tế gia đình; chọn đúng lĩnh vực yêu thích và đang cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết