Biên khảo: CÚC TẦN
Tọa lạc trên diện tích hơn 5 công đất, Lăng Hoàng Gia thuộc địa phận ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng (cách thị xã Gò Công khoảng 2km trên Quốc lộ 50, đường đi TP HCM), gồm nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng, "thích lý" (họ ngoại) vua Tự Đức. Đây là một di tích cho thấy chiều sâu lịch sử và văn hóa của đất Gò Công.
Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 tại Gò Rùa (Sơn Quy, nay là ấp Lăng Hoàng Gia). Sau khi thi đỗ tam trường, ông được bổ nhiệm chức Lễ bộ Thượng thư, rồi Chưởng trưởng Đà sự (trông coi đê điều), Lập xã thương (lo cứu đói cho dân), Quản Khâm thiên giám (giám đốc đài thiên văn) và Quốc sử quán Tổng tài (chỉ huy viết sử). Cùng lúc đó, 4 người con của ông đều làm quan to dưới triều Nguyễn. Đặc biệt, với tính cần cù siêng năng và nổi tiếng là người tài đức, Phạm Đăng Hưng được vua Minh Mạng vô cùng khâm phục, kết thông gia, gả công chúa cho Phạm Đăng Thuật (con ông) và phong tước Phò mã Đô úy. Song song đó, vua cho thái tử Miên Tông kết duyên cùng con gái ông là bà Phạm Thị Hằng (sinh năm 1910, về sau là Hoàng Thái hậu Từ Dụ). Về sau Miên Tông lên ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Mùa hạ năm 1825, Phạm Đăng Hưng mất vì bệnh tại Huế, thọ 61 tuổi, được đưa về Sơn Quy an táng. Năm 1849, vua Tự Đức gia tặng Đặc tiến Kim tử - Vinh Lộc Đại phu Thái Bảo, Cần chánh điện Đại học sĩ, tước Đức Quốc công cho Phạm Đăng Hưng.

Nhà thờ Đức Quốc Công Từ.
Nhà thờ Phạm Đăng Hưng là ngôi nhà năm gian hai chái, được xây dựng bằng gạch và ô dước, gần giống kiến trúc nhà dân xưa. Bên trên tường lối vào gian giữa khắc nổi bốn chữ Quốc ngữ: "Đức Quốc Công Từ". Được kiến trúc theo phong cách triều đình Huế, mặt tiền "Đức Quốc Công Từ" đắp nổi nhiều hoa văn tuy đơn giản nhưng đậm nét nghệ thuật. Trên nóc nhà thờ mỗi bên có một dòng chữ: "Thành Thái quơn niên Kỷ Sửu kiến tạo 1888", "Khải Định lục niên Tân Dậu trùng tu 1921", cho biết về thời điểm tân trang, cải tạo nhà thờ.
Nhà thờ bắt đầu xây dựng vào năm 1826 đến năm 1888, dưới bàn tay điêu luyện của những người thợ địa phương, và những nghệ nhân cung đình Huế được phái vào. Năm cánh cửa chính nhà thờ bằng gỗ quý, chạm lộng tuyệt đẹp những "long lân quy phụng", "mai lan cúc trúc" theo truyền thống văn hóa Việt. Nhà thờ có nhiều cửa, vừa lấy gió vừa lấy ánh sáng nên lúc nào cũng thoáng mát dù đang giữa trưa hè oi ả.
Ông Phan Văn Dũng, quản lý Lăng Hoàng Gia cho biết nhà thờ có 5 bàn thờ được sửa sang theo quy mô nghi thức cung đình Huế, có 5 đại tự sơn son thếp vàng, trên khung có chạm tứ quý được hoàn thành vào thời Thành Thái, để thờ: Gian giữa thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, bên tả thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long (cha Phạm Đăng Hưng), bên tả ngoài cùng thờ Mỹ Thánh Tử Phạm Đăng Tiên (ông cố Phạm Đăng Hưng), bên hữu thờ Bình Thạnh Bá Phạm Đăng Dinh (ông nội Phạm Đăng Hưng), bên hữu ngoài cùng thờ Khiêm Sư Phụ Phạm Đăng Khoa (ông sơ Phạm Đăng Hưng). Đặc biệt khám thờ Phạm Đăng Hưng được sơn son thếp vàng, xung quanh chạm khắc tứ linh, tứ quý. Tất cả có 5 bài vị là 5 đời danh giá của họ Phạm ở Gò Công. Bên trên bao lam là 5 liễn ngũ tước: công, hầu, bá, tử, nam. Tất cả đều bằng danh mộc, chạm khắc kỳ công, độc đáo với những hoa văn sống động, toát lên nét tôn nghiêm, nhưng khiêm cung của một đại thần hết lòng hết sức vì nước vì dân. Ngoài nhà thờ chính, còn có nhà khách, nhà kho, cổng tam quan và các công trình phụ tự khác bao bọc xung quanh.

Khu mộ Phạm Đăng Hưng. Ảnh: CÚC TẦN
Giữa nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng, bên trái nhà thờ, có giếng nước cổ xây bằng gạch tiểu, mỗi viên có bề dài khoảng 3 tấc. Giếng tuy nhỏ, đường kính chừng hơn 1 mét, nhưng lúc nào cũng có nước trong vắt dâng gần tới miệng giếng. Ông Phan Văn Dũng kể: Đây là khu vực nước mặn quanh năm. Nhưng ông Phạm Đăng Hưng nghiên cứu thấy có mạch nước ngọt và cho đào. Mạch nước khi đào không phèn, nên khá ngọt. Tuy nhiên, khi bà Từ Dụ ra đời, năm Gia Long thứ 8 (1810), mạch nước trở nên ngọt hơn, cây cỏ xung quanh trở nên tươi tốt, đơm hoa kết trái
Vì vậy trong dân gian có câu: "Lệ thủy trình tường thoại. Quy khâu dung phước cơ", có nghĩa: "Nước ngọt trổ điềm lành. Gò Rùa vun đất phước".
Mộ Phạm Đăng Hưng nằm bên trái nhà thờ. Ngoài mộ Phạm Đăng Hưng, còn có nhiều ngôi mộ của dòng họ Phạm được an táng trong phần diện tích 800 mét vuông này. Tất cả các mộ được chôn theo một trục dài đối xứng, đều được xây bằng ô dước, không chạm khắc, được bao bọc xung quanh bằng bức tường gạch dày 80cm, cao 90cm, theo phong cách phương Tây. Mộ Phạm Đăng Hưng không xây theo "Tam cấp, tứ trụ", gồm 2 vòng biểu hiện cho "tam tài", không xây theo kiểu "Ngưu phanh, mã phục" (trâu nằm, ngựa quỳ) như mộ dành cho quan đàng cựu (như mộ Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam, Châu Đốc, An Giang; mộ Phan Thanh Giản và Võ Trường Toản ở Ba Tri, Bến Tre) mà xây theo dáng "Đỉnh trụ" (chóp đỉnh). Nhìn chung, mộ giống như cái đỉnh, dạng này ít thấy nơi mộ cổ.
Hai bên phía trước mộ Phạm Đăng Hưng, có hai nhà bia. Bia bên phải của vua Tự Đức cho khắc. Bia bên trái của vua Thành Thái cho khắc. Mỗi nhà bia có một bia (160x120x15cm) bằng đá hoa cương. Hai bia này đều có khắc chữ Hán, ghi lại một thời lịch sử đã qua của vùng đất mới được khẩn hoang, trong đó có lịch sử của dòng họ Phạm một trong ba dòng họ có công khai phá mảnh đất Gò Công từ thế kỷ 17, mà Phạm Đăng Khoa là người khai cơ lập nghiệp của dòng họ tại địa phương.
Hằng năm, tại Lăng Hoàng Gia đều tổ chức 3 ngày lễ quan trọng: ngày 25 tháng Giêng âm lịch cúng đầu xuân (cúng dòng họ), ngày 14 tháng 6 âm lịch giỗ Phạm Đăng Hưng và ngày 15 tháng Chạp âm lịch viếng mộ. Với giá trị kiến trúc hài hòa giữa Đông Tây, Lăng Hoàng Gia là một di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy mà lăng đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích quốc gia theo Quyết định số 3959/QĐ/BT ngày 2-12-1992.