Sau gần một năm trở lại chế độ dân chủ thông qua bầu cử toàn quốc, chính trường Thái Lan lần nữa bị cuốn vào hỗn loạn khi liên minh cầm quyền gấp rút tìm người thay thế Thủ tướng Srettha Thavisin bị phế truất.
Thủ tướng bị phế truất Srettha Thavisin. Ảnh: Getty Images
Ngày 14-8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết cách chức Thủ tướng Srettha do “vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức” khi trao chức vụ trong nội các cho Pichit Chuenban, cựu luật sư từng bị kết án 6 tháng tù vì tội coi thường tòa án năm 2008. Ông Pichit là nhân vật thân cận cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người hiện tại ngoại sau khi trở về nước vào tháng 8-2023 sau 15 năm sống lưu vong để tránh án tù vì cáo buộc lạm dụng quyền lực và xung đột lợi ích. Khi vụ án chống lại thủ tướng được đệ trình, ông Pichit đã rời nội các nhưng tòa vẫn tiếp tục xét xử, dẫn tới việc ông Srettha trở thành lãnh đạo Thái Lan thứ 4 bị phế truất trong 16 năm qua.
Khẳng định việc bổ nhiệm thực hiện hợp pháp và cẩn trọng, ông Srettha mặt khác cho biết tôn trọng phán quyết của tòa. Dù vậy, diễn biến này gây “cú sốc” lớn cho đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) và 10 đối tác liên minh trong chính phủ. Ngoài bãi nhiệm ông Srettha, tòa còn giải tán nội các khiến đất nước rơi vào tình trạng “trống quyền lực”. Quyết định của Tòa án Hiến pháp bị đảng Nhân dân đối lập lên án và yêu cầu xét lại quyền hạn của tòa án trong việc bãi nhiệm các quan chức được bầu. Vài ngày trước, tòa này cũng cho giải tán đảng Tiến lên, tiền thân của đảng Nhân dân và vốn là đảng lớn nhất trong quốc hội sau cuộc bầu cử năm 2023 nhưng bị đẩy sang phe đối lập khi Pheu Thai liên minh với các đảng bảo thủ.
Lựa chọn khó khăn
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Phumtham Wechayacha đang điều hành chính phủ lâm thời Thái Lan trong thời gian chờ quốc hội bầu lãnh đạo mới. Để trở thành thủ tướng, một ứng cử viên cần sự chấp thuận của hơn một nửa trong số 493 nhà lập pháp. Với 11 đảng nắm giữ 314 ghế tại Hạ viện, liên minh cầm quyền không gặp khó trong việc bầu thủ tướng miễn duy trì tính nguyên vẹn.
Tránh khả năng bầu cử bất ngờ diễn ra, đảng cầm quyền Pheu Thai đang chạy đua để củng cố liên minh, đồng thời nêu rõ vị trí Thủ tướng nằm trong hạn ngạch của mình dựa vào việc có nhiều ghế nhất trong quốc hội. Đảng Bhumjaithai của Thái Lan, đảng lớn thứ 2 trong chính phủ liên minh, tuyên bố ủng hộ ứng cử viên thủ tướng của Pheu Thai trong bối cảnh các cuộc họp đang được tiến hành để chọn cựu Bộ trưởng Tư pháp Chaikasem Nitisiri hay “thử lửa” với Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin. Năm nay 75 tuổi, ông Chaikasem ngoài chức vụ dưới thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra còn là gia sư và cố vấn pháp lý cho Công chúa Bajrakitiyabha, con gái lớn của nhà vua Thái Lan. Song, ông đang gặp các vấn đề sức khỏe và phải ra vào bệnh viện trong năm qua. Ngược lại, Pheu Thai phải chấp nhận nguy cơ hứng chịu phản ứng dữ dội nếu đề cử bà Paetongtarn, thành viên gia tộc Shinawatra vốn đối đầu giới cầm quyền có ảnh hưởng của Thái Lan và quân đội bảo hoàng trong 20 năm qua.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã nộp đơn đề nghị ra nước ngoài để chữa bệnh và gặp đối tác làm ăn trong thời gian từ 1-16/8, cam kết sẽ trở về nước trước ngày 19-8 để hầu tòa.
Tuy nhiên, tòa án cho rằng các bệnh của ông Thaksin là những bệnh phổ biến mà bác sĩ Thái Lan có thể điều trị được và những cuộc gặp gỡ của ông với người khác tại Dubai là vấn đề cá nhân. Sau khi xem xét, tòa án phán quyết từ chối yêu cầu của ông Thaksin.
Cựu Thủ tướng Thái Lan bị cáo buộc xúc phạm hoàng gia với phát ngôn trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2015 tại Hàn Quốc.
|
MAI QUYÊN (Theo Nikkei, CNA)