05/03/2009 - 21:42

Thạc sĩ Trần Thị Hạnh và con đường đã chọn...

“Giỏi chuyên môn, say mê nghiên cứu khoa học (NCKH), có tinh thần học hỏi không ngừng, hết lòng vì lợi ích chung của tập thể”, là những lời nhận xét của mọi người dành cho Thạc sĩ Trần Thị Hạnh, Trưởng phòng NCKH và quan hệ quốc tế Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Ủy viên Ban chấp hành TW Hội Điều dưỡng Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Công đoàn ngành y tế TP Cần Thơ.

Chị Hạnh xuất thân trong một gia đình làm nông ở quận Ô Môn. Ở vùng sâu, nhà nghèo nhưng cha mẹ chị luôn hướng con vào chuyện học hành. Là con áp út trong gia đình có 8 chị em, từ nhỏ, chị Hạnh đã tỏ ra ham học và luôn đứng đầu lớp suốt bậc phổ thông, được thầy cô, bạn bè thương mến. Mùa màng thất bát, phải ăn khoai độn, cháo trừ cơm, đường sá ngăn sông cách trở, nhưng chị Hạnh vẫn quyết tâm cắp sách đến trường.

Những năm đầu sau giải phóng, để có tiền đi học, chị làm thêm đủ thứ, đội bánh bán dạo, bắt ốc, hái rau... Tốt nghiệp phổ thông trung học, chị thi vào Trường Kỹ thuật y tế Trung ương 3 TP Hồ Chí Minh (nay là Khoa điều dưỡng Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) học chuyên ngành điều dưỡng. Năm 1986, chị về Bệnh viện Ô Môn công tác ở Khoa cấp cứu, rồi chuyển sang Khoa nội. Những năm này chị vừa làm, vừa ôn thi đại học. Năm 1993, chị tốt nghiệp lớp cử nhân điều dưỡng. Đối với chị Hạnh, được đi học là một niềm hạnh phúc nên chị luôn tranh thủ để bổ sung những thứ mình thiếu. Ròng rã mấy năm dài, chị đi về như con thoi, ban ngày làm việc ở Bệnh viện Ô Môn, đêm xuống Cần Thơ học ngoại ngữ. Thời điểm này lương rất ít, kinh tế vô cùng khó khăn, chị phải đi dạy thêm mới đủ sống.

 

Mê hoạt động xã hội, chị tham gia làm tình nguyện viên cho các hoạt động giáo dục sức khỏe tại cộng đồng trong “Chương trình y tế cộng đồng” ở Cần Thơ. Năm 2004, chị Hạnh là một trong hai cán bộ y tế của Cần Thơ nhận được học bổng học thạc sĩ tại Đại học Mahidol, Thái Lan. Đề tài: “Thực trạng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại quận Ô Môn” đã giúp chị đạt bằng tốt nghiệp hạng danh dự. Năm 2006, chị được điều về Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ công tác. Dù mới mẻ nhưng chị nắm bắt công việc nhanh chóng, hòa đồng với mọi người. Năm 2007, trường nâng cấp và thành lập Phòng NCKH và quan hệ quốc tế, chị Hạnh được điều về làm Trưởng phòng, giúp Ban giám hiệu nhà trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghiên cứu và quan hệ quốc tế.

Nổi bật nhất ở chị Hạnh là công tác NCKH. Dáng dấp nhanh nhẹn, vẻ mặt thông minh, hay cười, chị say mê nói chuyện NCKH như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Hàng loạt đề tài NCKH của chị về lĩnh vực điều dưỡng ra đời, nói lên những bất cập trong quản lý điều dưỡng, nêu nhiều vấn đề để lãnh đạo đơn vị y tế nhận định tình hình, định hướng chiến lược cho ngành, có những chính sách phù hợp. Hiện chị đang quan tâm đến bệnh nhân bị tai biến. Theo chị Hạnh, những bệnh nhân tai biến sau khi đến bệnh viện điều trị tạm ổn thì về nhà tự xoay xở, không đảm bảo sức khỏe vì gia đình không biết cách chăm sóc. Đề tài: “Huấn luyện kỹ năng điều dưỡng cơ bản cho thân nhân bệnh nhân tai biến mạch máu não” của chị đã được duyệt đề cương, hiện chị đang tìm kinh phí để thực hiện. Tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, chị còn có đề tài nghiên cứu: “Năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại bệnh viện của điều dưỡng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ giai đoạn 2000 - 2005”, xem xét việc đào tạo học sinh điều dưỡng của trường đáp ứng nhu cầu của xã hội như thế nào? Năm nay, đề tài này cũng sẽ được nghiệm thu.

Cũng trong thời điểm này, chị Hạnh đang chuẩn bị làm đề tài nóng bỏng: “Ứng dụng phương pháp tiếp cận cộng đồng trong hoạt động phòng chống cúm gia cầm tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ - Cần Thơ” theo đề nghị của Tổ chức Lao động Thế giới. Chị Hạnh cho biết: “Báo đài cung cấp thông tin, người dân dù biết nhưng chuyển đổi hành vi rất khó, đề tài sẽ tiếp cận với cá thể để tìm cách làm hiệu quả nhất”. Bên cạnh đó, chị Hạnh còn là một trong những người trực tiếp tổ chức thực hiện những đề tài liên quan đến an toàn giao thông, sức khỏe môi trường, viết đề cương, hướng dẫn học sinh khối quản lý điều dưỡng NCKH. Chị Hạnh tâm sự: “Tôi rất mê nghiên cứu vì nó cung cấp cho mình nhiều kiến thức, mở rộng kỹ năng sử dụng máy tính, phần mềm, cách làm việc với tập thể, biết tiếp thu, lắng nghe những nhận xét của người khác và sửa đổi. Trải qua nhiều phen lận đận, tôi thấy nếu biết nắm bắt cơ hội và nỗ lực hết sức sẽ dẫn đến thành công”.

Cậu ruột là liệt sĩ, bên nội nhiều người tham gia cách mạng, từ nhỏ, chị Hạnh đã được sống trong môi trường gia giáo, nề nếp. Học giỏi nên chị Hạnh được kết nạp vào Đoàn rất sớm. Chị Hạnh nói: “Tôi luôn có ý chí phấn đấu vào Đảng, làm công dân tốt, để đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn. Khi đã là đảng viên, tôi thấy tất cả những việc làm tốt cho xã hội, sự phát triển chung của đất nước đều nằm trong những khuôn mẫu đạo đức của Bác, những lời dạy của người bình dị nhưng có sức lay động sâu xa”.

Có dịp tiếp xúc với những tư liệu về Bác, chị Hạnh đã học hỏi được nhiều điều để tự rèn luyện mình. Chị rất tâm đắc cách làm việc của Bác: luôn biết cách gắn kết mọi người để tạo nên sức mạnh tập thể, nhờ đó dẫn đến thành công. Làm công tác quản lý, chị Hạnh đúc kết: “Đoàn kết là con ngươi của hoạt động, người đứng đầu phải công minh để tạo sự công bằng trong nhân viên”. Chị được đồng nghiệp yêu quý bởi lối sống nghĩa tình, tinh thần vì mọi người, luôn hòa mình vào tập thể. Chị luôn tìm hiểu tường tận hoàn cảnh từng nhân viên trong khối chị quản lý để tạo điều kiện giúp đỡ mọi người. Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong lĩnh vực điều dưỡng ở Cần Thơ, chị Hạnh là người có học vị cao nhất. Chị đang tham gia giảng dạy lớp quản lý điều dưỡng cho điều dưỡng trưởng ở các bệnh viện, hướng dẫn, trang bị phương pháp nghiên cứu... Chị nghĩ, một người dù có tài giỏi đến đâu nhưng đứng một mình sẽ lẻ loi, phải gắn kết cho mọi người cùng làm việc với mình để ai cũng có điều kiện tiến bộ. Dưới sự tác động của chị, nhiều đồng nghiệp và sinh viên cùng tham gia NCKH để giải quyết, phát triển, cải thiện chất lượng công việc.

Quá trình học hỏi không ngừng, khiêm tốn, sẵn sàng sẻ chia kiến thức của mình đến người khác ở chị, cũng học từ tấm gương của Bác. Chị nói: “Điều dưỡng là một nghề rất cực. Mỗi hành vi của điều dưỡng đều ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh nhân nên phải học để tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra”. Qua những lời dạy của Bác, chị Hạnh luôn dặn lòng cố gắng giữ lương tâm với nghề, sống và làm việc hữu ích. Trong những giờ lên lớp, chị luôn nói về ý nghĩa thanh cao của nghề, truyền sự đam mê cho học trò.

Chị Hạnh vừa lập gia đình, chồng là nhà văn - dịch giả, am hiểu nhiều lĩnh vực, thông thạo ngoại ngữ, hỗ trợ chị rất nhiều trong công việc. Chị Hạnh kể, một ngày của chị thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 1 giờ khuya. Lúc nào cũng thấy như không có đủ thời gian, nên chị luôn tranh thủ để làm. Hiện chị đang trau dồi ngoại ngữ để học lên Tiến sĩ chuyên ngành điều dưỡng, đáp ứng nhu cầu đào tạo của nhà trường.

Nói về cô Hạnh, thầy Trần Ngọc Hùng, Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, cho biết: “Từ ngày nhận công tác trong ngành y tế, cô Hạnh chịu khó phấn đấu học tập, từng bước trưởng thành, vươn lên. Cô là người có tác phong sinh hoạt tốt, tinh thần trách nhiệm cao đối với người bệnh và học trò. Có năng lực chuyên môn vững vàng, nên các công tác NCKH, giảng dạy cô phụ trách đều đạt hiệu quả cao”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết