16/05/2017 - 09:27

Tên lửa Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn?

Ngày 15-5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ca ngợi vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo mới một ngày trước đó, cho rằng nó có thể mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.

Bước tiến lớn trong chương trình ICBM

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân giám sát vụ phóng thử tên lửa Hwasong-12 tầm trung/xa được cho bay với quãng đường 787km và đạt độ cao hơn 2.111 km trong 30 phút. KCNA cho rằng vụ phóng thử "nhằm kiểm tra các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của tên lửa đạn đạo mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân mạnh mẽ cỡ lớn" cũng như xác nhận "mức độ tin cậy của động cơ tên lửa mới". Theo KCNA, Bình Nhưỡng cảnh báo Washington không hành động khiêu khích bởi "lãnh thổ Mỹ và các căn cứ ở Thái Bình Dương đều nằm trong tầm bắn của các tên lửa Triều Tiên". Guam là nơi đặt Căn cứ không quân Andersen của Mỹ.

Triều Tiên vừa bắn thử tên lửa Hwasong-12 và đây có thể là loại tên lửa mà nước này phô diễn hôm 15-4. Ảnh: AFP

Cũng hôm qua, trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên "38 North" của Viện Nghiên cứu Mỹ- Hàn Quốc (USKI) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nhận định vụ phóng tên lửa mới thành công cho thấy "mức độ hoạt động chưa từng thấy trước đây" ở tên lửa của Triều Tiên. Theo "38 North", vụ phóng thử không chỉ giới thiệu tên lửa đạn đạo tầm trung có thể tấn công căn cứ Mỹ trên đảo Guam mà còn cho thấy bước tiến đáng kể trong việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo các chuyên gia, khoảng cách tối đa của loại tên lửa này có thể đạt 4.500 km, tức tầm bay xa nhất mà nước này thử nghiệm cho tới nay. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận định loại tên lửa được bắn thử của Triều Tiên "không tương đồng với một ICBM".

Seoul tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 15-5 cho biết, Tân Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ định các đặc phái viên để truyền tải các thông điệp cá nhân của ông tới các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Đây là động thái được giới phân tích nhận định có thể ông Moon Jae-in muốn tái khởi động vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên vốn bị đổ vỡ từ năm 2008 sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Theo thông cáo báo chí của Nhà Xanh, Tổng thống Moon sẽ cử ông Hong Seok-hyun, cựu Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành tập đoàn truyền thông JoongAng, làm đặc phái viên tới Mỹ do ông này am hiểu tình hình của Mỹ và cũng từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Washington năm 2005. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Lee Hae-chan được chỉ định làm đặc phái viên tới Trung Quốc. Nghị sĩ Moon Hee-sang và nghị sĩ Song Young-gil lần lượt được cử làm đặc phái viên tới Nhật Bản và Nga. Các đặc phái viên sẽ trao thư cá nhân của Tổng thống Moon Jae-in tới lãnh đạo của các nước trên.

Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, người được coi là đã giúp định hình chính sách của tân Tổng thống Moon đối với Triều Tiên, cho rằng chính quyền mới tại Seoul sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng. Theo giáo sư Yang, chính phủ mới có thể sẽ sớm công bố các biện pháp nhằm khôi phục lại các kênh đối thoại cả chính thức và không chính thức với Bình Nhưỡng trong nỗ lực hiện thực các mục tiêu chính là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập một nền hòa bình ở đây; loại bỏ mọi khả năng nổ ra chiến tranh bằng cách mở rộng hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

THANH BÌNH (Theo CNN, AFP, Reuters, Yonhap)

Chia sẻ bài viết