11/12/2007 - 12:09

Tay chân miệng - căn bệnh nguy hiểm

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2007 đến ngày 1-12-2007, bệnh viện đã tiếp nhận 60 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm 2006. Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp, không có thuốc đặc trị và ngày càng nguy hiểm đối với trẻ.

Chị Phạm Thị Tuyết, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, mẹ của cháu Nguyễn Phạm Hoàng Mạnh, 22 tháng tuổi, cố gắng dỗ dành con trai đang khóc khi thấy bác sĩ đến khám bệnh... Chị Tuyết kể: “2 ngày trước, cháu sốt nhẹ. Sau đó, cháu bị ói, đi tiêu càng lúc càng nhiều. Vợ chồng tui sợ quá, tức tốc chở con lên Cần Thơ khám bệnh. Bác sĩ khám xong thì cho nhập viện ngay”.

Nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ đang chăm sóc cho bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng.  

Ngày 6-12-2007, cháu Nguyễn Phạm Hoàng Mạnh nhập viện trong tình trạng sốt cao, chới với, ói và đi tiêu 3-4 lần/ ngày, lòng bàn tay có bóng nước... Các bác sĩ chẩn đoán Mạnh mắc bệnh tay chân miệng, phải nhập viện gấp để theo dõi biến chứng thần kinh. Theo chị Tuyết, trước khi đến BVNĐ TP Cần Thơ, gia đình có đưa Mạnh đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán cháu bị rối loạn tiêu hóa. Chị Tuyết kể: “Ở xóm cũng có một đứa nhỏ bệnh y như con tui, nhập viện trước con tui 2-3 ngày”.

Cháu Trần Thị Anh Thư, 20 tháng tuổi, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cũng nhập viện cùng ngày với Mạnh nhưng trường hợp của Anh Thư nhẹ hơn. Thư bị nổi nhiều bóng nước ở hai chân, lưng và bụng; sau đó, bóng nước tự vỡ ra, cháu biếng ăn, bú kém. Thư vẫn tỉnh táo nhưng hay quấy khóc. Các bác sĩ BVNĐ TP Cần Thơ chẩn đoán Thư mắc bệnh tay chân miệng 2 ngày, phải nhập viện để theo dõi điều trị bệnh. Anh Trần Văn Tí, cha của Thư, cho biết: “Tui chở cháu đi khám bệnh, bác sĩ có cho thuốc uống nhưng không hết. Vợ chồng tui chở cháu lên BVNĐ cho chắc ăn”. Tương tự, bé Bùi Thị Thu Huyền, 21 tháng tuổi, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Cờ Đỏ lên BVNĐ TP Cần Thơ, được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Thu Huyền nhập viện trong tình trạng sốt, ho, sổ mũi; qua điều trị và có chuyển biến tốt. Hiện nay, Huyền đã khỏe hơn nhưng thỉnh thoảng còn chới với, nổi nhiều mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân...

Tuần đầu tháng 12-2007, tại BVNĐ TP Cần Thơ có hơn 10 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đang nằm điều trị. Theo Tiến sĩ bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BVNĐ TP Cần Thơ, bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm, diễn biến phức tạp và không có thuốc đặc trị. Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm nhưng vài năm trở lại đây, từ tháng 8 đến tháng 11, bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều hơn, diễn biến phức tạp. Thông thường, với những bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng, có thể chăm sóc điều trị tại nhà. Nhưng khi trẻ có dấu hiệu biến chứng viêm não thì bệnh đã nặng, có thể tử vong trong thời gian rất ngắn; nếu có khỏi bệnh, trẻ cũng bị di chứng thần kinh nặng nề. Cách đây vài ngày, bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi ở Vĩnh Long bị biến chứng nặng và đã tử vong”.

Tiến sĩ bác sĩ Lê Hoàng Sơn, khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Đặc biệt, không được chủ quan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị đúng và theo dõi, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra”.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết