Sau yêu cầu cứu trợ tài chính của Bồ Đào Nha, dư luận quốc tế đã bắt đầu râm ran bàn tán khả năng Tây Ban Nha sẽ trở thành quân bài domino vỡ nợ công tiếp theo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trong Khu vực đồng euro (Eurozone) và Liên minh châu Âu (EU).
|
Eurozone lại “nóng” với khủng hoảng nợ công. Ảnh: Bloomberg News |
Trong bối cảnh đó, hôm qua (8-4), các nhà lãnh đạo ngành tài chính Eurozone đã có họp khẩn cấp tại Thủ đô Budapest của Hungary, nước giữ ghế chủ tịch luân phiên EU, với mục đích xem xét khả năng Bồ Đào Nha cần viện trợ bao nhiêu và điều kiện cải cách như thế nào. Tuy nhiên, theo một quan chức tài chính Hungary, hiện còn quá sớm để các bộ trưởng tài chính Eurozone quyết định cụ thể vấn đề này, vì trên thực tế Ủy ban châu Âu (EC) chưa nhận được bất cứ yêu cầu trợ giúp chính thức nào từ Lisbon. Dẫu vậy, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng chính quyền Bồ Đào Nha nên cầu cứu sự hỗ trợ tài chính trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 5-6 tới.
Mặc dù vấn đề cứu trợ tài chính cho Lisbon là trọng tâm, nhưng theo các nhà phân tích, giới quan chức tài chính Eurozone cũng đặc biệt thảo luận những biện pháp nhằm “thích nghi” với “mặt bằng lãi suất” mới của ECB và khả năng Tây Ban Nha “nối gót” Bồ Đào Nha trong hiệu ứng dây chuyền khủng hoảng thâm hụt ngân sách và nợ công đang lan rộng khắp khu vực. Trước cuộc họp này, ngày 7-4, ECB đã quyết định nâng lãi suất từ 1% lên 1,25% nhằm kiềm chế lạm phát. Đây là lần đầu tiên trong gần 3 năm qua, ECB nâng lãi suất, vốn đang ở mức thấp kỷ lục, nhưng động thái này lại rơi vào thời điểm hết sức nhạy cảm. Một số nhà hoạch định chính sách của ECB đã thừa nhận quyết định tăng lãi suất sẽ gây áp lực đối với các nước đang cần trợ giúp tài chính như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đồng thời có thể đẩy giá đồng euro lên cao làm ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu của Eurozone.
Giới phân tích quan ngại lãi suất mới và quyết định xin cứu trợ của Bồ Đào Nha sẽ tác động lớn đến Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực, nơi mà khoảng 80% các khoản vay thế chấp bằng lãi suất biến đổi. Tuy nhiên, phát biểu trên Đài phát thanh nhà nước Tây Ban Nha hôm 8-4, Bộ trưởng Tài chính nước này Elena Salgado khẳng định Tây Ban Nha hoàn toàn không chịu tác động từ quyết định xin cứu trợ của Bồ Đào Nha vì kinh tế Tây Ban Nha lớn, đa dạng và sinh lợi hơn kinh tế của nước láng giềng Bồ Đào Nha.
Chia sẻ lập trường với bà Salgado, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) Angel Gurria cho rằng việc “đánh đồng” Tây Ban Nha với những nước có mức nợ công cao như Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland là không chính xác và không công bằng. Quan chức này nhấn mạnh Tây Ban Nha sẽ không gặp phải những vấn đề tương tự như Bồ Đào Nha. Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ Madrid với lời nhận xét Tây Ban Nha sẽ đáp ứng các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách nhà nước trong năm 2010 và 2011.
Nợ công của Bồ Đào Nha năm ngoái chiếm tới 92,6% GDP, trong khi ở Tây Ban Nha tỷ lệ này chỉ chiếm 60% GDP. Lãi suất trái phiếu 10 năm của Bồ Đào Nha mới đây đã tăng mức kỷ lục gần 9%, trong khi của Tây Ban Nha chỉ khoảng 5%. Có điều thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha ở mức 8,6% GDP, còn của Tây Ban Nha chiếm 9,2% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha cũng chỉ ở mức 11%, nhưng ở Tây Ban Nha lại chiếm hơn 20%. Nhiều người lo ngại nếu Tây Ban Nha vỡ nợ công, tiền cứu trợ dành cho Madrid sẽ lớn hơn tổng số tiền cứu trợ Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha gộp lại.
|
Chuyên gia Jesus Castillo làm việc tại Ngân hàng Natixis cho biết căn cứ vào các yếu tố như cải cách kinh tế, tình hình chính trị và mức nợ công thì tình hình ở Tây Ban Nha khác với Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, về trung hạn, kinh tế Tây Ban Nha vẫn “mong manh”, đòi hỏi chính phủ nước này phải cân bằng các hoạt động tài chính công. Kinh tế Tây Ban Nha liên tục “giảm tốc” lần lượt 3,7% và 0,1% trong 2 năm trước sau hơn một thập kỷ tăng trưởng nhờ thị trường bất động sản làm ăn phát đạt. Kinh tế suy yếu dẫn đến hệ lụy là tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 20,33% vào cuối năm 2010, mức cao nhất trong các nước OECD.
Chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 11,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2009 xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013. Để đáp ứng mục tiêu này, Madrid đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm giảm chi tiêu, cải cách thị trường lao động, chế độ lương và khu vực ngân hàng.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)