24/07/2022 - 20:36

Tàu sân bay Trung Quốc thay đổi cán cân khu vực 

MAI QUYÊN (Theo CNA News)

Trung Quốc mới đây đã hạ thủy tàu sân bay thứ 3 làm dấy lên dự đoán con tàu được Bắc Kinh sử dụng để phô trương uy lực hải quân và mở rộng chiến thuật cưỡng chế, từ đó làm thay đổi cán cân quyền lực trên các vùng biển trong khu vực.

Ảnh: Getty Images

Giống như 2 tàu sân bay trước đó lần lượt mang tên hai tỉnh là Liêu Ninh và Sơn Ðông, Tân Hoa xã cho biết con tàu số hiệu Type 003 mang tên Phúc Kiến (ảnh), tỉnh nằm đối diện với Ðài Loan. Hiện tàu vẫn tiếp tục neo đậu ở cảng Thượng Hải để hoàn thiện.

Trong những bức ảnh mới công bố, Phúc Kiến vẫn chưa được lắp đặt radar cũng như các hệ thống vũ khí. Việc thiếu các trang bị như vậy là dấu hiệu cho thấy tiến trình hoàn thiện tàu đang chậm tiến độ và Trung Quốc có thể mất thêm nhiều năm trước khi biên chế tàu cho hải quân. Dù vậy, nhà phân tích quốc phòng Mike Yeo cho rằng công nghệ và khả năng mới của Phúc Kiến sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trên các vùng biển ở châu Á, đặc biệt là trên Biển Hoa Ðông và Biển Ðông.

Tăng cường lợi thế của hải quân

Theo trang Naval News, tàu Phúc Kiến có độ choán nước tối đa khoảng hơn 85.000 tấn, tuy không lớn bằng tàu lớp Ford của Mỹ (100.000 tấn) nhưng lớn hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh (67.500 tấn) và Sơn Ðông (70.000 tấn). Ðiểm nổi bật của tàu nằm ở hệ thống hỗ trợ phóng máy bay điện từ (EMALS), vốn chỉ có ở tàu sân bay lớp Ford đắt đỏ nhất của Mỹ. Với 2 máy phóng chính và một ở bên hông, về mặt lý thuyết, tàu sân bay Phúc Kiến có thể phóng nhiều máy bay hơn cùng một lúc trong thời gian ngắn. Hệ thống EMALS cũng cho phép Trung Quốc triển khai đa dạng chiến đấu cơ ở ngoài khơi, bao gồm máy bay hạng nặng như KJ-600, giúp tăng cường đáng kể khả năng giám sát hàng hải và không phận tầm xa. Ngoài ra còn có phiên bản tác chiến điện tử của máy bay tiêm kích J-15 “Flying Shark” vốn được sử dụng để phát hiện, gây nhiễu, phá hủy và tấn công radar đối phương; và máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo dựa trên thiết kế chiến đấu cơ tàng hình FC-31.

Nếu hệ thống EMALS của Trung Quốc chưa phát triển kịp để trang bị cho Phúc Kiến, việc tàu này sử dụng hệ thống phóng bằng hơi nước cũng sẽ là bước tiến lớn so với các tàu có mũi hếch lên như Liêu Ninh và Sơn Ðông. Hiện chỉ có Mỹ và Pháp là hai nước có tàu sân bay được trang bị hệ thống phóng bằng hơi nước.

Rút ngắn khoảng cách với Mỹ

Sau 2 thập kỷ hiện đại hóa, Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới dựa trên số lượng tàu đang hoạt động. Bắc Kinh cũng có những bước tiến lớn về hàng không mẫu hạm kể từ khi tàu Liêu Ninh được đưa vào hoạt động năm 2012. Mặc dù vẫn thua kém Mỹ về số lượng, khả năng và kinh nghiệm tác chiến trên tàu sân bay, nhưng việc đưa vào hoạt động thêm tàu tiên tiến như Phúc Kiến sẽ giúp Bắc Kinh tạo thanh thế trong thời bình và rút ngắn mục tiêu trở thành lực lượng hải quân “biển xanh”.

Khi chính thức triển khai, tàu sân bay Phúc Kiến có thể được sử dụng như một căn cứ nổi trong các hoạt động như hỗ trợ nhân đạo hoặc sơ tán không tham chiến, giúp gia tăng quyền lực mềm của Bắc Kinh ở nước ngoài. Còn với tranh chấp trên các vùng biển ở khu vực, Trung Quốc có thể sử dụng Phúc Kiến như biện pháp thể hiện tính răn đe và chiến thuật cưỡng ép.

Mặc dù một số nhà bình luận xem nhẹ tiện ích của tàu sân bay trong kịch bản xung đột giả định, nhưng sự xuất hiện của một con tàu như Phúc Kiến có thể là nhân tố quan trọng tạo ưu thế trên không ở các điểm nghẽn hàng hải như eo biển Miyako của Nhật Bản hoặc kênh Bashi nằm giữa Ðài Loan và Philippines. Trong đó, các tàu sân bay vừa trở thành căn cứ cho máy bay chiến đấu tầm ngắn vừa hỗ trợ các máy bay ném bom tầm xa trong hoạt động đe dọa hàng không mẫu hạm đối phương. Trong tương lai, nếu Trung Quốc tiếp tục đóng mới các tàu sân bay, thậm chí phát triển tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, đây sẽ là thách thức lớn đối với ưu thế của Mỹ trong khu vực.

Chia sẻ bài viết