13/11/2024 - 08:06

Tàu sân bay Pháp sắp đến Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương 

Pháp chuẩn bị cử tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle tham gia một nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Động thái này được cho là nhằm gửi thông điệp tới các đồng minh và cả những cường quốc đối thủ trong khu vực.

Pháp là nước duy nhất ngoài Mỹ sở hữu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ảnh: Hải quân Pháp

Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo rằng nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle đã tiến hành các cuộc tập trận ở Địa Trung Hải sau 4 tháng ngừng vận hành để sửa chữa.

Hôm 1-11, trang Naval News dẫn lời một sĩ quan cấp cao của Pháp tiết lộ rằng đợt triển khai kéo dài nhiều tháng sắp tới sẽ diễn ra ở phía Đông Địa Trung Hải, Biển Đỏ, Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Cuộc triển khai sẽ có cả các chuyến thăm “lịch sử” đầu tiên đến cảng ở Philippines và

Nhật Bản.

Trong nhiệm vụ lần này, nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle dự kiến ​​sẽ có một tàu khu trục phòng không, 2 khinh hạm, một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và một tàu hậu cần. Phi đội không quân sẽ gồm 24 máy bay chiến đấu Rafale Marine, 4 trực thăng và 2 máy bay cảnh báo sớm.

Tàu sân bay Charles de Gaulle có kế hoạch tập trận chung với Hải quân Ấn Độ và tập trận với một số đối tác Thái Bình Dương, bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Úc và Nhật Bản.

Phát đi nhiều thông điệp

Một nguồn tin quân sự Pháp mô tả sứ mệnh này không đặt ra “bất kỳ giới hạn nào cho trí tưởng tượng” và dự định “huấn luyện xa nhất và thực tế nhất có thể”.

Ngoài việc cải thiện khả năng tương tác và tăng cường năng lực với các quốc gia đồng minh, đợt triển khai mới nhất của Charles de Gaulle được thiết kế “để gửi nhiều lớp thông điệp” tới các đối tác và đối thủ. “Thông điệp đằng sau đợt triển khai này của Pháp không chỉ nhắm vào một quốc gia, mặc dù ưu tiên có thể là Trung Quốc, mà còn cả các nước khác nữa”, Giáo sư Garren Mulloy tại Đại học Daito Bunka (Nhật Bản) nhận định.

Một số chiến hạm trong nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle cũng có thể đi qua eo biển Đài Loan để củng cố sự ủng hộ quốc tế đối với quyền tự do hàng hải. Ngoài ra, các tàu chiến Pháp sẽ tham gia các hoạt động gần bán đảo Triều Tiên, trong đó liên quan đến lệnh trừng phạt quốc tế đối với CHDCND Triều Tiên vì chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này.

Kể từ khi công bố Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2019, Pháp đã gia tăng và đa dạng hóa hiện diện quân sự trong khu vực. Paris đã ký một số thỏa thuận vũ khí với Indonesia, Singapore và gần đây nhất là dự án viện trợ trị giá 438 triệu USD để cung cấp 40 tàu tuần tra cũng như hỗ trợ hậu cần cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.

Trong những năm gần đây, nhiều lực lượng hải quân châu Âu đã tham gia các hoạt động ngăn chặn trên biển nhằm phá vỡ nỗ lực của Bình Nhưỡng tiếp cận công nghệ bị cấm thông qua hoạt động chuyển giao giữa các tàu.

Đơn cử như hôm 5-11, khu trục hạm Prairial của Pháp đã đến thăm cảng Maizuru thuộc tỉnh Kyoto của Nhật Bản, sau khi thực hiện nhiệm vụ giám sát và can thiệp vào các nỗ lực nêu trên của Triều Tiên.

Toshimitsu Shigemura, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda, đánh giá đợt triển khai tàu sân bay sắp tới của Pháp cũng nhằm phản ứng trước việc Bình Nhưỡng được cho là đã điều động quân đội hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Pháp là một trong những quốc gia lên án mạnh mẽ Triều Tiên vì động thái quân sự này.

Với các chuyến thăm của tàu sân bay Charles de Gaulle, Pháp còn muốn gửi thông điệp gửi đến Mỹ khi ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng. Các cường quốc châu Âu đang chứng minh rằng họ không chỉ hỗ trợ Ukraine mà còn cam kết bảo vệ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bảo vệ nguyên trạng khu vực.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chỉ trích kế hoạch triển khai tàu sân bay của Paris. Một bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cáo buộc Pháp “tiếp tay cho sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang châu Á - Thái Bình Dương” và gây tổn hại đến hòa bình, ổn định khu vực.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP)

 

Chia sẻ bài viết