06/05/2020 - 12:14

Tàu chiến Mỹ lần đầu đến Biển Barents sau 3 thập kỷ 

Ba tàu khu trục USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt cùng tàu hậu cần USNS Supply của Hải quân Mỹ phối hợp với chiến hạm HMS Kent của Hải quân Hoàng gia Anh hôm 4-5 đã đến Biển Barents để tiến hành các hoạt động an ninh ở Bắc Cực, đánh dấu lần đầu hải quân xứ cờ hoa hiện diện tại khu vực kể từ giữa những 1980, thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh.

Tàu hậu cần USNS Supply (phải) của Hải quân Mỹ  và chiến hạm HMS Kent của Hải quân Hoàng gia Anh trên Biển Barents hôm 4-5.

Các khu trục hạm nói trên của Hải quân Mỹ đều được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, vốn là thành phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu trong một tuyên bố cho biết, mục đích của hoạt động trên là nhằm “khẳng định quyền tự do hàng hải và thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đồng minh”. Theo CNN, Hải quân Mỹ đã thông báo cho quân đội Nga về hoạt động trên nhằm “tránh hiểu nhầm, hạn chế nguy hiểm và căng thẳng leo thang”.

Sự hiện diện của tàu chiến Mỹ tại Biển Barents trong bối cảnh Nga đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực, vốn được Nga xem là khu vực địa chiến lược về dự trữ năng lượng, là tuyến vận tải sinh lợi tiềm năng và giữ vai trò quan trọng đối với nền quốc phòng xứ bạch dương. Báo cáo hồi năm ngoái của Lầu Năm Góc về Bắc Cực cho biết, Nga đang tạo ra các đơn vị Bắc Cực mới, tân trang lại các sân bay và cơ sở hạ tầng cũ ở Bắc Cực và thiết lập các căn cứ quân sự mới dọc theo bờ biển Bắc Cực. Báo cáo của Lầu Năm Góc khẳng định, Nga còn có kế hoạch thiết lập mạng lưới hệ thống tên lửa phòng không và bờ biển, radar cảnh báo sớm, trung tâm cứu hộ cũng như hệ thống cảm biến.

Đặc biệt, Trung Quốc cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi tuyên bố là “quốc gia cận Bắc Cực” và có tham vọng tiếp cận những nguồn tài nguyên chưa khai thác ở khu vực.

Phát biểu với tờ AFP, đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Nga đang theo dõi hoạt động của tàu chiến Mỹ tại Biển Barents - khu vực tiếp giáp với bờ biển Nga và Na Uy và được xem là “sân sau” của Hải quân Nga. Thành phố cảng Murmansk, nơi đặt căn cứ Hạm đội Phương Bắc, cũng nằm bên bờ Biển Barents.

Căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Nga vẫn ở mức cao sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine cách đây 6 năm. Ngay cả khi đại dịch COVID-19 hoành hành, hai bên vẫn có những thông điệp quân sự cứng rắn dành cho nhau. Tuần trước, Nga đã cho triển khai máy bay ném bom và chiến hạm săn ngầm tuần tra dọc theo biên giới với các nước phương Tây. Còn cách đây 2 tuần, Mỹ tố Nga phóng thử tên lửa diệt vệ tinh sau khi Mát-xcơ-va kêu gọi đàm phán xung quanh việc hạn chế triển khai vũ khí ngoài không gian. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết