09/05/2009 - 08:24

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kết thúc phiên họp lần thứ 7

Tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản

Kết thúc phiên họp toàn thể lần thứ bảy, ngày 8-5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) tổ chức lấy ý kiến của các ủy viên để xem xét thông qua dự thảo Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để Ban soạn thảo hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản lần này chỉ xem xét những vấn đề liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất hiện nay, được coi như là một giải pháp tình thế trong khi chưa có điều kiện để sửa đổi đồng bộ các Luật liên quan. Bởi vậy, phạm vi Luật sửa đổi này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường và Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Những nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung của các Luật khác như Doanh nghiệp; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Đất đai; Phòng cháy, chữa cháy... tuy còn có nhiều vấn đề bất cập, nhưng không liên quan trực tiếp và chưa thật bức xúc đối với hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa xem xét trong Luật sửa đổi này. Chính phủ sẽ có đề án riêng trình QH về việc sửa đổi Nghị quyết số 66/2006/QH11.

Đa số các đại biểu đều nhất trí với phạm vi sửa đổi để tập trung giải quyết những vướng mắc, những vấn đề bức xúc nhất, đặc biệt liên quan đến các thủ tục đầu tư đang cản trở các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trong thực tế; đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho đối tượng thi hành luật...

Liên quan đến Luật Đấu thầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Lê Quốc Dung cho rằng quy định việc nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, nhà thầu được xét duyệt trúng thầu khi có giá đánh giá thấp nhất và không lớn hơn giá gói thầu/dự toán được duyệt là không phù hợp với thực tế, bởi quy định “giá thấp nhất” không thể chọn được nhà thầu có đủ năng lực để trực tiếp tham gia đấu thầu. Ban soạn thảo cần xem xét lại, tránh xáo trộn khi thực thi, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện có hiệu quả. Về trách nhiệm của người có thẩm quyền đối với việc thực hiện của chủ đầu tư, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn để tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát của người có thẩm quyền đối với việc thực hiện của chủ đầu tư. Mặt khác, việc giao trách nhiệm về quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cho chủ đầu tư là cần thiết để ràng buộc hơn nữa trách nhiệm của chủ đầu tư với chất lượng dịch vụ tư vấn, hàng hóa và công trình.

Liên quan đến Luật Xây dựng, một số đại biểu không đồng tình với nội dung được quy định tại Điều 43 về quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giao các tổ chức xã hội- nghề nghiệp công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật để chủ đầu tư tham khảo làm căn cứ xác định chi phí đầu tư là cứng nhắc, không có tính thuyết phục, gây phức tạp trong quá trình thực hiện đầu tư. Không nên giao các tổ chức xã hội- nghề nghiệp công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật, bởi đơn vị này không thể đủ năng lực để đảm đương việc này...

Nhiều đại biểu cũng cho ý kiến xung quanh quy định thời điểm phê duyệt đánh giá tác động của môi trường được sửa đổi trong Luật Bảo vệ môi trường. Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nên quy định tất cả các dự án cần thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định đầu tư và cấp chứng nhận đầu tư. Nếu cho phép một số dự án đầu tư không có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường được phép lùi thời gian phê duyệt đánh giá tác động môi trường sau khi dự án được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng đánh giá tác động môi trường vẫn phải được phê duyệt trước khi khởi công xây dựng...

LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết