* TP CẦN THƠ: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm
“Trong thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cho hai vấn đề nổi lên là kiểm soát giá và tháo gỡ khó khăn về thiếu điện. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy khi kết luận phần thảo luận tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ kinh tế- xã hội quý 4-2010, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2010 diễn ra ngày 30-9 tại Trụ sở Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ra Chỉ thị về các giải pháp kiểm soát giá, bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2010 và đầu năm 2011.
Về vấn đề kiểm soát giá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, sắp tới sẽ có Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2010 đã được Quốc hội thông qua ngay từ đầu năm, trong đó có chỉ tiêu kiềm chế lạm phát. Thủ tướng nêu rõ: giá cả liên quan rất mật thiết với chính sách điều hành tiền tệ, tín dụng. Vì vậy phải tiếp tục duy trì ổn định lãi suất cơ bản. Điều hành chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt, phục vụ tăng trưởng kinh tế. Không để xảy ra tình trạng sốt giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, trong đó chú ý quản lý chặt chẽ giá các loại thuốc chữa bệnh và giá sữa. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán tới (Tết Tân Mão), các Bộ, ngành, địa phương phải lo dự trữ đủ các nguồn hàng phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân.
Khắc phục khó khăn về thiếu điện, Thủ tướng yêu cầu ngành điện, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải có các giải pháp quyết liệt lo đủ điện cho trước mắt cũng như lâu dài, trong đó chủ động tính nguồn (phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các nhà máy điện), mua điện của nước ngoài, điều tiết điện hợp lý, đặc biệt tiết kiệm điện trong sản xuất, trong tiêu dùng...
Tại Phiên họp, Chính phủ dành phần lớn thời gian tập trung nghe, thảo luận các báo cáo của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương về tình hình kinh tế- xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2010; Dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam; Tình hình giá cả hàng hóa và các giải pháp kiểm soát giá, bình ổn giá từ nay đến cuối năm 2010; Tình hình bảo đảm cung- cầu hàng hóa, bình ổn thị trường đến cuối năm 2010; Tình hình cung cấp điện từ nay đến cuối năm và năm 2011.
Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế- xã hội nước ta 9 tháng đầu năm phát triển theo chiều hướng tích cực. Nền kinh tế phục hồi khá nhanh, cao hơn cùng kỳ của năm 2008 và năm 2009. Cả nước thực hiện có kết quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-CP và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 9 tháng đầu năm đạt khoảng 6,52%, với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,83%, quý II tăng 6,40%, quý III tăng khoảng 7,16%). Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch cả năm. Xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao; nhập siêu tiếp tục có xu hướng giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế 9 tháng ước đạt 51,5 tỉ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2009 và gấp gần 4 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (trên 6%). Ước tính đã có 13 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó có dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, cà phê... Tổng kim ngạch nhập khẩu lũy kế 9 tháng ước khoảng 60,08 tỉ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu tiếp tục giảm, ước nhập siêu 9 tháng khoảng 8,58 tỉ USD, xấp xỉ bằng 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong các năm qua. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2010 tăng tới 1,31% so với tháng trước. So với tháng 12-2009, CPI tháng 9-2010 tăng 6,46%. Tính bình quân, CPI 9 tháng đầu năm tăng 8,64% so với cùng kỳ năm 2009. Ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và du lịch đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp vấn phát triển khá ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Thu ngân sách đạt khá, bảo đảm được các khoản chi. Đầu tư phát triển được đẩy mạnh, huy động và giải ngân vốn đầu tư phát triển tiếp tục có một số chuyển biến tích cực; lạm phát được kiềm chế. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống người dân ngày càng được cải thiện, sức khoẻ của người dân ngày càng được bảo vệ và chăm sóc tốt hơn. An ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm và giữ vững.
Để góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2010, tạo điều kiện cho năm 2011- năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011-2020, từ nay đến hết năm, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 11 nhóm giải pháp chủ yếu, đó là: Tiếp tục tăng cường công tác bình ổn giá, điều hành thị trường nhằm bảo đảm cung-cầu hàng hóa với giá cả ổn định, không để lạm phát tăng cao trong điều kiện nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng lên trong các tháng cuối năm. Tập trung chỉ đạo, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010 cao hơn dự toán đã được Quốc hội thông qua, kết hợp với quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, để giảm bội chi NSNN xuống 5,95% GDP . Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng để duy trì tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu phát triển và yêu cầu kiềm chế lạm phát. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư cho các dự án sử dụng vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối nguồn điện cả trước mắt và lâu dài, nhất là quy hoạch phát triển các nhà máy điện. Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Chủ động giám sát dịch, phát hiện sớm các nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra.
* Sáng 30-9, UBND TP Cần Thơ tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2010.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, tháng 9 năm 2010, UBND thành phố tiếp tục triển khai nhanh và có hiệu quả các giải pháp bình ổn giá, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, các chính sách an sinh xã hội nên tình hình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố đạt được kết quả khá toàn diện. So với cùng kỳ năm trước, 9 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 14,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng 20,7%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 9,6%... Đến này 28-9, thành phố đã thực hiện thanh toán và tạm ứng vốn xây dựng cơ bản đạt trên 62% kế hoạch phân bổ. Đến ngày 30-9, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt khoảng 96% kế hoạch... Dù đạt được kết quả khá, nhưng đầu năm đến nay, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố còn khó khăn; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán. Dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng gia tăng khiến chi phí đầu tư sản xuất tăng, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức... trên địa bàn thành phố còn chậm. Ngoài ra, hiện nay nhiều địa phương đang thiếu vốn giải ngân cho nhiều công trình xây dựng cơ bản đã và đang xây dựng...
Trong quý IV/2010, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn chỉ đạo: Các ngành, các cấp, các địa phương mở đợt phát động thi đua (bằng những công trình, sản phẩm... cụ thể) chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà hội, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần VIII và Đại hội Đảng toàn quốc. Các ngành hữu quan tiếp tục dồn sức, khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ ... Ngành công thương cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng tìm hiểm, nắm bắt và kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm; kiểm tra, đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động; đẩy mạnh công tác thu thuế; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các công trình xây dựng cơ bản gắn với giám sát chất lượng công trình... Ngành lao động thương binh và xã hội ngay từ bây giờ cần có kế hoạch về chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các chế độ chính sách phục vụ Tết Nguyên đán 2011...
QUANG LIÊN (TTXVN) - HÀ TRIỀU