23/04/2009 - 08:49

Tạo sự thống nhất về nhận thức trong thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND

 

Nhân thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề này.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số nét khái quát về việc triển khai thực hiện chủ trương thí điểm trên?

- Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII về “Thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND huyện, quận, phường” và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị về “Thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND “, việc thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND được tiến hành tại 20 – 30% số đơn vị thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thực hiện sau khi kết thúc hoạt động nhiệm kỳ 2004 – 2009 của HĐND vào ngày 25-4-2009. Đối với các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi tỉnh, thành phố chọn, chỉ đạo thực hiện thí điểm từ 2 – 3% số xã, thị trấn ở địa phương mình và thực hiện trong năm 2009.

Đây là một vấn đề mới, chưa được quy định trong Hiến pháp, Điều lệ Đảng, Luật Tổ chức HĐND và UBND, nên cần phải thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm, nếu phù hợp sẽ nhân ra diện rộng. Việc thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND là nhằm nghiên cứu, xây dựng mô hình để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

* Phóng viên: Việc chọn các đơn vị thực hiện thí điểm như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Những nơi thí điểm không tổ chức HĐND thì Quốc hội đã quyết định. Còn khi chọn các xã, thị trấn (có HĐND) thực hiện thí điểm, cần chọn những cơ sở đại diện cho các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương phát triển tương đối ổn định; nội bộ đoàn kết, thống nhất; đã thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ. Đối với những nơi thực hiện thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, cần cơ cấu một đồng chí Phó Bí thư thường trực cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND và một đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND có kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và công tác quản lý nhà nước; có khả năng điều hành công việc chung khi đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đi vắng. Chú ý lựa chọn những đơn vị mà sau khi thực hiện thí điểm “nhất thể hóa” cán bộ, các đồng chí Bí thư hoặc Chủ tịch không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cũ phải có đủ điều kiện để bố trí công tác khác phù hợp.

* Phóng viên: Đây là vấn đề mới, theo đồng chí, những nơi thí điểm cần phải chú ý gì?

- Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Các cấp ủy đảng, nhất là ở những địa phương được chỉ đạo thực hiện thí điểm cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt kỹ Nghị quyết của Quốc hội và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên về chủ trương này, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương về mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp tiến hành. Cần coi trọng chỉ đạo thực hiện thí điểm ở cả cấp huyện và cấp cơ sở; cả nơi không tổ chức HĐND (huyện, quận, phường) và nơi có HĐND (xã, thị trấn) để qua đó, có cơ sở đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, giúp cho việc đề xuất những chủ trương, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới. Các cấp ủy cấp trên cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời uốn nắn những sai sót, lệch lạc trong quá trình tổ chức thực hiện ở cấp dưới.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, yêu cầu đối với bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND như thế nào?

- Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Việc lựa chọn, bố trí nhân sự Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phải bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ chung theo Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) và tương ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của từng chức danh cán bộ. Đồng chí Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phải có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực và có kinh nghiệm về công tác đảng, công tác chính quyền; có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và tính đảng cao; có tác phong làm việc dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm; có sức khỏe và uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương; nói chung là phải có trình độ đại học về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cao cấp trở lên (đối với huyện, quận); có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên (đối với xã, phường, thị trấn). Đã đảm nhiệm (hoặc được quy hoạch) một trong các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở huyện, quận hoặc xã, phường, thị trấn tương ứng với chức vụ đảm nhiệm; hoặc những đồng chí có trình độ, kiến thức và năng lực để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng chí được giao nhiệm vụ Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phải còn đủ tuổi công tác để tham gia cấp ủy nhiệm kỳ tới (2010 – 2015).

* Phóng viên: Để đáp ứng yêu cầu đó, công tác chuẩn bị nhân sự Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cần tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Công tác chuẩn bị nhân sự phải tiến hành chu đáo, thận trọng, bảo đảm dân chủ, khách quan và thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Nhân sự Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp nào do cấp ủy cấp đó chuẩn bị và đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Việc kiện toàn chức danh bí thư cấp ủy tiến hành trước theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng; việc kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tiến hành sau theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với nơi không tổ chức HĐND (huyện, quận, phường) thì chức danh Chủ tịch UBND dân do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm. Đối với những nơi có HĐND (xã, thị trấn) thì Chủ tịch HĐND giới thiệu đồng chí Bí thư với HĐND để HĐND bầu giữ chức Chủ tịch UBND. Nếu đồng chí Bí thư cấp ủy đang kiêm chức Chủ tịch HĐND thì phải có đơn xin rút Chủ tịch HĐND, cấp ủy giới thiệu đồng chí Phó Bí thư với HĐND để HĐND cho đồng chí Bí thư rút chức Chủ tịch HĐND và bầu đồng chí Phó Bí thư giữ chức Chủ tịch HĐND.

* Phóng viên: Theo đồng chí, để khắc phục những mặt hạn chế khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND, cần có cơ chế giám sát như thế nào?

- Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Sau khi kiện toàn chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp nào thì cấp ủy, HĐND, UBND ở cấp đó phải xây dựng, bổ sung và hoàn thiện quy chế làm việc. Quy chế làm việc phải xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, các mối quan hệ công tác của đồng chí Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND với cấp ủy, HĐND (nơi có HĐND ), UBND và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Cấp ủy cấp trên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của cấp ủy cấp dưới, kịp thời khắc phục những biểu hiện tiêu cực, gia trưởng, độc đoán, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng.

HƯƠNG THỦY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết