25/10/2019 - 12:34

Tạo lập môi trường thuận lợi​, xúc tiến đầu tư ra nước ngoài 

Trong định hướng phát triển, TP Cần Thơ luôn quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT), đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế. Trong những năm qua, thành phố đã không ngừng nỗ lực, tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến hợp tác đầu tư tại nước ngoài cũng như đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của nhiều nước đến thành phố tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, hiệu quả thu hút đầu tư của thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, cùng với những nỗ lực của chính quyền, Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ từ phía các bộ, ngành chức năng, đặc biệt các cơ quan đang làm công tác xúc tiến tại nước ngoài nhằm hỗ trợ cho thành phố có định hướng tốt trong XTĐT cũng như kêu gọi nguồn đầu tư một cách hiệu quả.

TP Cần Thơ luôn quan tâm đến công tác XTĐT để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Quang cảnh Hội thảo XTĐT Nhật Bản vào TP Cần Thơ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh tháng 8-2019.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các đề án, chương trình, dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư. Cùng đó, thành phố đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông thủy, bộ và hàng không; từng bước nâng cao chất lượng và mở rộng các khu đô thị hiện hữu, xây dựng khu đô thị mới. Qua đó, bộ mặt đô thị của thành phố đã ngày càng hiện đại, văn minh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Đây được xem là thước đo cho quá trình phát triển của thành phố. Cụ thể, từ năm 2004 đến nay, sau 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tốc độ tăng trưởng của TP Cần Thơ luôn duy trì ở mức khá, GDP giai đoạn 2004-2014 tăng bình quân 14,15%/năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong giai đoạn 2015-2018 tăng bình quân 7,56%/năm; đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người dự kiến năm 2018 đạt 80,48 triệu đồng, tăng 8 lần so với năm 2003; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,53%… Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính đã giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh của TP Cần Thơ nhiều năm đều nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cần Thơ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc thực hiện mục tiêu để trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020. Đó là, các mô hình tăng trưởng chưa thật sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm, còn thiếu những dự án đầu tư sản xuất công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại; năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp thấp hơn sản phẩm cùng chủng loại của các nước trong khu vực. Cùng đó, khả năng sản xuất, các mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng, công nghệ cao còn hạn chế. Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp khó khăn về nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư công còn thấp so với nhu cầu.

Nhật Bản là một trong những đối tác trọng điểm của TP Cần Thơ trong thu hút đầu tư nước ngoài. Để thu hút nhà đầu tư này, cùng với việc tổ chức các đoàn công tác XTĐT tại Nhật Bản, thành phố đã tổ chức các hội nghị XTĐT và các chương trình giao lưu văn hóa thương mại; thành lập Tổ công tác Nhật Bản tại TP Cần Thơ (Japan desk). Đặc biệt, thành phố đã xây dựng Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, tọa lạc tại quận Cái Răng. Đây là khu công nghiệp hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn khu công nghiệp xanh. Để thu hút mạnh nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, ông Nguyễn Xuân Tiến, Tham tán phụ trách XTĐT, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng, để thu hút đầu tư cần chú trọng đổi mới từ cách tiếp cận thông tin cho đối tác sao cho thực tế, cụ thể nhất. Trong đó, cần chú trọng đến các mô hình hoạt động kinh doanh thành công của doanh nghiệp Nhật tại Cần Thơ… Một điều cần chú ý là người Nhật rất tôn trọng văn hóa truyền thống, đây cũng là yếu tố quan trọng không kém để thuyết phục người Nhật đến hợp tác làm ăn. Sắp tới đây, thành phố tổ chức Chương trình giao lưu Văn hóa Thương mại Việt Nam - Nhật Bản, trong kế hoạch sẽ có chính quyền cùng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia, do đó ông Nguyễn Xuân Tiến cho rằng, việc tham gia của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản là rất cần thiết vì đây chính là đầu mối để kết nối doanh nghiệp Nhật sau chương trình.

Để kinh doanh hiệu quả với thị trường Hoa Kỳ, bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, các địa phương cần xác định rõ tiềm lực của mình để tìm hướng thúc đẩy hợp tác phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao. Khi tổ chức đoàn công tác XTĐT, bên cạnh lãnh đạo của địa phương, cần có doanh nghiệp đủ tầm, có mô hình kinh doanh phù hợp với mục đích xúc tiến. Đại sứ quán sẽ hỗ trợ tốt nhất trong công tác tư vấn, kết nối cho địa phương khi đến XTĐT tại Hoa Kỳ. 

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định, Cần Thơ có thế mạnh về hạ tầng giao thông hàng không, đường bộ, đường thủy hoàn thiện; nguồn nhân lực dồi dào với tay nghề ngày càng cao, chi phí nhân công thấp,… Đây là môi trường tốt để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt với đối tượng doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để thu hút mạnh các doanh nghiệp quốc tế, nhất là doanh nghiệp FDI, Cần Thơ cần quan tâm đến việc xây dựng nơi cư trú cho người nước ngoài; phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí... Đặc biệt, thành phố cần xúc tiến để mở thêm nhiều đường bay quốc tế đi từ Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ; đầu tư giao thông bộ, trong đó cần thúc đẩy để nhanh chóng hoàn thiện đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ... Công tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cũng cần phải chú trọng thực hiện để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với thành phố. Đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới... Trong XTĐT, thành phố cần tập trung nghiên cứu, cập nhật và đề xuất các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, bổ sung thông tin chi tiết cho từng dự án mời gọi đầu tư để cung cấp cho nhà đầu tư, loại bỏ những dự án không còn phù hợp với quy hoạch, không có tính khả thi và hiệu quả kinh tế- xã hội. Tăng cường XTĐT tại chỗ bằng cách đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư khi đến với TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết