18/03/2023 - 21:36

Tạo cơ hội cho người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Thị trường bất động sản (BĐS) được nhận định gặp không ít khó khăn trong năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thậm chí sang đến đầu năm 2023 do tác động của bối cảnh chung tình hình kinh tế, BĐS của thế giới cũng như Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển. Trước những tác động đến thị trường BĐS, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 11-3-2023, về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Bên cạnh việc tập trong tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường BĐS gắn với kiểm soát rủi ro, điều hòa cân đối cung cầu…, Nghị quyết còn dành sự quan tâm, hướng đến  các chính sách phù hợp nhằm tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp được tiếp cận nhà ở…

Nhận diện thách thức

Khu nhà ở xã hội Nam Long tại TP Cần Thơ.

Khu nhà ở xã hội Nam Long tại TP Cần Thơ.

Thị trường BĐS có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, trong năm 2022 thị trường gặp nhiều khó khăn, một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để, như hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS vẫn còn một số tồn tại, bất cập; nhiều dự án BĐS tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến nguồn cung BĐS giảm nhiều so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp; trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Về quan điểm Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ khẳng định: Tất cả các chủ thể liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững. Quy hoạch, đầu tư phát triển hệ sinh thái BĐS công nghiệp, BĐS dịch vụ, du lịch và BĐS nhà ở đô thị để hài hòa giữa cung và cầu; nhà ở phải có người ở, muốn có người ở thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp, dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến phát triển thị trường BĐS đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp...

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, giá đất, chi phí xây dựng ngày càng cao nên doanh nghiệp có động lực rất lớn chỉ làm nhà ở thương mại bán giá cao chứ không mặn mà làm nhà giá thấp. Chính phủ quan tâm đến những chính sách hỗ trợ cho người làm nhà thu nhập thấp nhưng các chính sách được thực hiện như thế nào không được đề cập rõ. Bên cạnh đó, chưa có định nghĩa rõ ràng thế nào là nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà thu nhập thấp phải đảm bảo những chuẩn mực cơ bản nào. Muốn người dân vào ở phải đảm bảo về cơ sở hạ tầng, điện nước cơ bản, môi trường, chất lượng sống... Nếu Nhà nước cam kết hỗ trợ thì đồng thời phải giám sát, phải đưa ra định nghĩa từ đầu, thỏa thuận nghiêm túc nhà ở xã hội là như thế nào, chất lượng ra sao, phải có người thẩm định độc lập, chính xác để người mua không bị trả giá cao oan vì chất lượng không đạt chuẩn, chất lượng không đảm bảo, người mua bị thiệt thòi. 

Chuyển hướng tiếp cận

Trong nhóm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đối với chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng, Chính phủ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới; trong đó đặc biệt quan tâm đến những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua, như về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội... Khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận. Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra khuyến nghị khi Nhà nước thực sự quan tâm đến nhà thu nhập thấp để thực hiện quyền có nhà, ai cũng có nhà ở thì nên tập trung giảm giá đất. Hoặc khi nhà đầu tư làm nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp phải chấp nhận giá xây dựng nhà xưởng kinh doanh là giá thương mại còn giá đất làm nhà ở cho công nhân là giá thấp và phải cam kết khu vực đó chỉ dành xây dựng nhà ở cho công nhân, đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho công nhân với giá thấp. Đối với công nhân không nên đặt vấn đề phải mua mà được cho thuê nhà ở xã hội tương ứng với hợp đồng lao động với DN. Bởi có những người chỉ làm 3 hoặc 5 năm tại DN cảm thấy không phù hợp, DN khác có chính sách tốt hơn họ có thể chuyển đi. Nếu công nhân bỏ số tiền lớn ra để mua nhà của DN cung cấp đến lúc muốn dời đi sẽ gặp khó, hoặc có thể bán để đi nơi khác nhưng vẫn nằm trong thế bị động. Nhà nước hỗ trợ nhà cho người thu nhập thấp đừng đặt vấn đề đầu tư để bán mà nên theo hướng để cho thuê, để nhẹ gánh cho người thu nhập thấp không phải lo tiền sẵn có, lo vay ngân hàng, gánh nặng trả nợ... Đối với DN làm BĐS khi đầu tư để cho thuê cũng nhẹ gánh hơn vì nhà của họ không lo ế, không có người thuê; tránh trường hợp nhà ở xã hội đầu tư xong không có người vào ở vừa trở thành lãng phí cho xã hội, nỗi đau cho người không có nhà ở, đau cho cả DN xây dựng nhà lên không bán được và gánh các khoản nợ để đầu tư xây dựng. Tuy nhiên nhu cầu sở hữu nhà đã trở thành văn hóa, thói quen nhưng về lâu dài giới trẻ có thể thay đổi suy nghĩ về sở hữu BĐS.

Chia sẻ bài viết