Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức buổi tọa đàm “Chung tay tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ nhằm thúc đẩy quyền và phòng ngừa di cư mất an toàn, mua bán người (MBN)” tại Cần Thơ. Tham gia buổi tạo đàm, các đại biểu chia sẻ, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm cải thiện quyền năng kinh tế của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế. Phóng viên Báo Cần Thơ ghi nhận một số ý kiến tại tọa đàm.
* Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL:
HỢ TRỢ TOÀN DIỆN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM BỊ MUA BÁN TRỞ VỆ
Năm 2018, Nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình Yên chính thức thành lập tại Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL (tọa lạc tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ) mang sứ mệnh hỗ trợ toàn diện phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, MBN và bị xâm hại tình dục.
Vào Ngôi nhà Bình Yên, các chủ thể sẽ được thực hiện các thủ tục tham vấn, sàng lọc ban đầu và hỗ trợ ít nhất 8 dịch vụ cơ bản, trong đó phải kể đến nơi ăn ở an toàn, địa chỉ bí mật, chăm sóc sức khỏe để ổn định tâm lý, được học văn hóa và hỗ trợ kỹ năng sống, hỗ trợ, giới thiệu việc làm. Khi hồi gia, Trung tâm phối hợp với Hội LHPN địa phương theo dõi, hỗ trợ hồi gia trong 24 tháng...
Các đại biểu tham gia sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng”.
Qua gần 6 năm chính thức hoạt động, Ngôi nhà Bình Yên ở Cần Thơ tiếp nhận là 76 trường hợp, trong đó nạn nhân bị mua bán trở về và nạn nhân nguy cơ cao là 22 trường hợp. Đa phần các chị em đều đi làm ăn xa, kinh tế gia đình khó khăn nên Trung tâm tư vấn các chị em lựa chọn nghề phù hợp với mình. Trung tâm liên kết để các chị vào học nghề tại Trung tâm Dạy nghề phụ nữ thuộc Hội LHPN TP Cần Thơ hoặc kết nối với Hội LHPN các địa phương để các chị em học nghề ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng...
Ngoài ra, Trung tâm còn kết nối hỗ trợ vốn để các chị em phát triển kinh tế gia đình; vận động thêm nhiều nguồn lực giúp các chị em sau khi học có được bộ dụng cụ để làm nghề... Tùy theo nhu cầu mà Trung tâm hỗ trợ đa dạng hình thức, như: chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nghề...
* Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ:
ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG BẰNG NHIỀU HÌNH THỨC, PHÙ HỢP TỪNG ĐỐI TƯỢNG
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP Cần Thơ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống MBN bằng nhiều hình thức, như “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; thông qua các nhóm Zalo, đăng tải kịp thời những nội dung tuyên truyền thời sự, để chị em cùng thực hiện và vận động người thân, gia đình làm theo.
Hằng năm, Hội LHPN thành phố mở 5-10 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các chị cập nhật kiến thức mới, bổ sung kỹ năng quản lý tài chính, xây dựng mô hình. Hội LHPN quận, huyện mở 1-2 lớp theo đặc thù địa phương. Ngoài ra, các cấp Hội còn tổ chức các hội thảo để tìm giải pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế.
Các cấp Hội LHPN trên địa bàn thành phố đã thực hiện có hiệu quả đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế hộ; phát huy nguồn vốn tự giúp nhau tại chi, tổ Hội.
Các cấp Hội vận dụng linh hoạt, hỗ trợ kịp thời những đối tượng phụ nữ yếu thế, góp phần rất lớn trong công tác giải quyết việc làm cho lao động địa phương, hạn chế tình trạng di cư mất an toàn. Đồng thời, phát huy nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, mở các lớp dạy nghề để giải quyết việc làm cho chị em.
* Ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ:
THỰC HIỆN TỐT CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG
Để hỗ trợ lao động và tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ nhằm thúc đẩy quyền và phòng ngừa di cư mất an toàn, MBN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp chăm lo, bảo đảm đời sống cho người lao động, tổ chức thông tin, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động.
Duy trì thường xuyên các hoạt động giao dịch việc làm; nắm nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài thành phố, cũng như ngoài nước để có giải pháp tư vấn việc làm cho người lao động; tiếp tục tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động nữ bị mất việc làm... theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của UBND TP Cần Thơ; tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước với nhiều hình thức; tổ chức tư vấn việc làm, học nghề, kỹ năng tại địa phương; tổ chức ngày hội việc làm tại các trường cao đẳng và đại học...
Bài, ảnh: KIM XUÂN