Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), trong 9 tháng năm 2023, số người nhiễm HIV mới trong độ tuổi 16 đến 35 chiếm đến 78,4%. Đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, đặc biệt trong nhóm đối tượng MSM chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, ngành Y tế thành phố đang tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho học sinh THPT.
Đẩy mạnh truyền thông
CDC Cần Thơ vừa phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo, Glink Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức truyền thông cho học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng. Các tuyên truyền viên đã chia sẻ với học sinh về tâm lý học đường, sức khỏe tình dục, an toàn tình dục, phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Theo các chuyên gia, lứa tuổi THPT các em có nhiều sự thay đổi về cơ thể, tâm lý, tình cảm, nên các em cần được trang bị kiến thức để vững vàng bước vào giai đoạn mới của cuộc đời.
Ths Nguyễn Khánh Chi, Giám đốc đào tạo Công ty Glink Academy, cho biết: “Vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục là nhu cầu tìm hiểu rất cần thiết của các em học sinh. Các em cần được giáo dục về giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản càng sớm càng tốt. Nội dung hướng dẫn cần phù hợp với từng lứa tuổi; không khuyến khích các em tự tìm hiểu từ mạng xã hội, kênh truyền thông không cấp phép hoặc từ bạn bè. Nếu các em càng được giáo dục sớm, tìm hiểu đúng, được hướng dẫn đúng thì sẽ có hành xử đúng”.
Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng).
Nữ sinh Phạm Quỳnh Giang (lớp 11A6, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng) cho biết: “Chương trình đã giúp em có nhiều kiến thức hơn về giới tính, sức khỏe sinh sản, về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng như phòng chống HIV/AIDS. Đối với những vấn đề khó nói về giới tính, thông thường em và các bạn tìm hiểu thông qua mạng xã hội, Google hoặc báo chí. Trường cũng có phòng Tâm lý học đường, các bạn có thể liên hệ để được giải đáp thắc mắc những vấn đề khó nói. Tuy nhiên, thông qua chương trình truyền thông do các bác sĩ, chuyên gia trao đổi, em và các bạn có thể nắm rõ kiến thức hơn, cùng nhau thảo luận và tuyên truyền cho các bạn khác”.
Thầy Nguyễn Hoàng Vũ, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Việt Dũng, khẳng định: Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho các em ở độ tuổi vị thành niên, đặc biệt là học sinh của trường THPT đặc biệt quan trọng. Qua buổi truyền thông, các em có thể nâng cao nhận thức, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều này giúp các em có thể mạnh dạn, tự tin, nâng cao kỹ năng sống, giúp các em thấu hiểu, chia sẻ với các bạn không may, với người không may. Đồng thời, nhà trường cũng hoàn thành tiêu chí giúp xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Hiểu đúng để hành xử đúng
Theo thầy Nguyễn Hoàng Vũ, ngay từ đầu năm học, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng đều có kế hoạch truyền thông về giáo dục sức khỏe sinh sản ở độ tuổi vị thành niên bằng rất nhiều hình thức. Tổ chức các buổi ngoại khóa; truyền thông sinh hoạt dưới cờ bằng hình thức sân khấu hóa, tiểu phẩm, vừa cung cấp kiến thức vừa không gây nhàm chán. Nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi online tìm hiểu về kiến thức HIV/AIDS. Trường cũng có phòng Tâm lý học đường, có cô giáo chuyên phụ trách tư vấn tâm lý, qua thời gian cũng giúp các em giải đáp thắc mắc, mạnh dạn nêu vấn đề và nâng cao hiểu biết, dẫn đến có hành vi đúng mực, tránh mắc những hành vi tiêu cực.
Bà Phạm Nguyễn Anh Thư, cán bộ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS - CDC Cần Thơ, cho biết: Tỷ lệ các em nhiễm HIV ở độ tuổi từ 16-25 tuổi ngày càng tăng, đây là vấn đề mà ngành Y tế rất quan tâm. Từ đầu năm đến nay, CDC Cần Thơ phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện nhiều cuộc truyền thông, tập trung vào các em học sinh THPT và THCS. Truyền thông cho các em những chuyên đề về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, về biện pháp phòng tránh thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Từ đó giúp các em có một hành trang, kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân, nâng cao kiến thức, kỹ năng, đồng thời chia sẻ cho các bạn đồng trang lứa.
Trong quá trình thực hiện công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại trường học, ngành Y tế đã nhận được sự phối hợp tốt từ ngành Giáo dục, ban ngành đoàn thể và phía Ban giám hiệu trường. Tuy nhiên, quá trình phối hợp đòi hỏi nhiều thủ tục hành chính, sự đồng ý cho phép từ phía nhà trường, phụ huynh và các em học sinh. Các em có sự chênh lệch về nhận thức, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; vẫn còn nhiều học sinh còn ngại đặt câu hỏi, ngại thắc mắc, ngại chia sẻ gây khó khăn trong vấn đề truyền tải kiến thức cho các em.
“Trong bối cảnh số ca nhiễm HIV đang tập trung ở độ tuổi THPT. Thời gian tới, ngành Y tế sẽ có rất nhiều hoạt động đồng hành cùng với ban ngành đoàn thể để trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cho các em, giúp các em có thể bảo vệ bản thân mình” - bà Phạm Nguyễn Anh Thư chia sẻ.
Theo các chuyên gia, người thân, thầy cô nên đóng vai trò là “người bạn lớn” tâm tình với các em, dẫn đường, chỉ lối cho các em, cung cấp cho các em có đủ kiến thức, cho đến khi các em đủ 18 tuổi, đủ trưởng thành và chịu tránh nhiệm về những quyết định của bản thân. Từ những hiểu biết đầy đủ, đúng đắn, các em không chỉ biết cách phòng tránh cho bản thân mà còn tuyên truyền cho bạn bè, người thân và cộng đồng cùng chung tay thanh toán HIV/AIDS.
Bài, ảnh: THIÊN THANH